[ToMo] Vừa Học Tập Vừa Nghe Nhạc – Nên Hay Không Nên? – YBOX

Liệu bạn có đồng ý rằng âm nhạc là một công cụ hỗ trợ tích cực nhằm mang lại những hiệu quả nhất định trong học tập và làm việc? “Làm sao có thể tập trung khi tiếng nhạc cứ văng vẳng bên tai được cơ chứ?” Nếu câu hỏi trên xuất hiện trong đầu bạn thì hãy tin rằng, âm nhạc có thể mang lại rất nhiều lợi ích đấy nhé. Nghe nhạc vừa cải thiện tâm trạng, tạo động lực cho người học, cải thiện trí nhớ, kích thích não bộ và có thể kiểm soát tốt hơn các cơn đau và sự mệt mỏi nữa đấy.

Với những lý do trên thì khá là hợp lý khi cho rằng âm nhạc sẽ thực sự mang lại hiệu quả cho các buổi học của chúng ta. Nhưng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm trên. Vậy nó có hữu ích hay không? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn nào.

Rõ ràng là mỗi người sẽ có cách cảm nhận khác nhau. Câu trả lời không đơn giản là “đúng” hoặc “sai” mà còn phức tạp hơn nhiều. Thưc tế, một số thể loại âm nhạc có thể kích thích sự tập trung, tăng cường trí nhớ cũng như sự tỉnh táo. Sau đây sẽ là những ưu và nhược điểm của việc kết hợp âm nhạc trong học tập và kèm theo là một số thủ thuật để tận dụng tối đa playlist “music for studying” của bạn.

1. Hiệu quả của việc kết hợp âm nhạc với học tập

Sẽ là rất tuyệt vời nếu như nhờ âm nhạc mà bạn có thể xử lý được hết tất cả các vấn đề còn tồn đọng, hoặc có thể giúp bạn nhớ rõ những mốc sự kiện cho bài kiểm tra lịch sử cuối kỳ, đúng không nào? Thật không may là âm nhạc không thể giúp bạn trực tiếp theo cách đó được. Thường thì nó sẽ hỗ trợ ta theo từng phương pháp gián tiếp nhất định, nhưng, ta vẫn có thể cải thiện khả năng học tập một cách rõ rệt.

Nghe nhạc sẽ tạo động lực

[ToMo] Vừa Học Tập Vừa Nghe Nhạc - Nên Hay Không Nên? - YBOX

Bạn đã thực sự quá mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng vì phải vật lộn cả đêm với cả đống bài tập còn dang dở. Lúc đó bạn phải làm gì? Hãy thư giãn, có thể xem một tập phim yêu thích, hoặc ăn nhẹ một thứ gì đó. Thế còn nghe nhạc thì sao nhỉ? Mới đây, trong một bài nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 bởi một nhóm tác giả gồm có Benjamin P. Gold, Ernest Mas-Herrero, Yashar Zeighami, Mitchel Benovoy, Alain Dagher, và Robert J. Zatorre đã chỉ ra rằng, âm nhạc cũng có thể đem lại những hiệu quả tương đồng. Đắm chìm trong một điệu nhạc yêu thích sẽ tạo thêm động lực, tiếp sức cho chúng ta trong quá trình ôn luyện, học tập và tiếp thu những kiến thức mới. Có một vài thể loại âm nhạc có thể không phù hợp cho việc kết hợp này, tuy nhiên, nếu là người yêu thích các thể loại đó, hãy thử nghe chúng trong những phút giải lao, chắc chắn bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục “cày ải” đấy.

Âm nhạc cải thiện tâm trạng cho người nghe.

[ToMo] Vừa Học Tập Vừa Nghe Nhạc - Nên Hay Không Nên? - YBOX

Không chỉ tạo động lực, âm nhạc còn là thứ để giảm stress và thúc đẩy những suy nghĩ tích cực. Bài nghiên cứu trên cũng đã đề cập rằng, người có tâm trạng tốt sẽ có kết quả học tập cao hơn. Tâm lý thoải mái sẽ là mấu chốt để gặt hái được những thành công trong việc học cũng như trau dồi tri thức mới.

Mỗi khi cảm thấy stress vì cả đống bài vở, rồi choáng ngợp và chán nản, hãy tạm gác chúng sang một bên, bật nhạc lên và tận hưởng để xua tan hết những thứ khiến ta khó chịu, tâm trạng sẽ được cải thiện rồi sau đó quay lại với việc học đang còn dở dang. Bạn sẽ cảm thấy chúng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Âm nhạc tăng cường sự tập trung

[ToMo] Vừa Học Tập Vừa Nghe Nhạc - Nên Hay Không Nên? - YBOX

Theo như một nghiên cứu vào năm 2007 của Trường Dược thuộc Đại Học Stanford, các thể loại nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển sẽ giúp trí não tập trung và xử lý các thông tin mới dễ dàng hơn. Bộ não sẽ tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ xung quanh chúng ta, sau đó chia tách chúng thành từng phần nhỏ hơn.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được bằng chứng rằng, âm nhạc sẽ khiến bộ não tập trung hơn vào những sự kiện và đưa ra những dự đoán về những gì có thể xảy ra sau đó.

Thế thì điều này giúp ích được gì cho việc học? Có đấy, nếu như bạn gặp trở ngại trong quá trình tiếp nhận các kiến thức mới, hãy thử kết hợp cùng với âm nhạc trong quá trình học, rồi bạn sẽ thấy được việc tiếp thu các kiến thức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đồng thời, kĩ năng đưa ra các dự đoán về sự việc và kĩ năng lập luận sẽ được liên kết một cách chặt chẽ. Kĩ năng lập luận được cải thiện, và bạn sẽ thấy được sự khác biệt trong khả năng lập luận của mình và tự mình đưa ra đáp án cho bản thân.

Một số công trình nghiên cứu khác cũng khẳng định rằng âm nhạc chính là phương pháp để cải thiện sự tập trung. Cụ thể, vào năm 2011, các nhà nghiên cứu đã bật nhạc nền trong suốt buổi học của 41 nam sinh mắc hội chứng ADHD (Attention-deficit/hyperactivity disorde – hiệu chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý ở người). Kết quả là tuy có một vài người bị sao nhãng nhưng phần đông thì lại cho thấy được những điểm tích cực rõ rệt.

Âm nhạc giúp chúng ta ghi nhớ các thông tin mới

Theo một nghiên cứu vào năm 2014, nghe nhạc cổ điển sẽ giúp người trưởng thành có được trí nhớ tốt và thực hiện các công việc một cách trôi chảy hơn. Họ khuyến khích nghe nhạc nhiều để kích thích khả năng nhớ lâu và các chức năng về nhận thức khác nữa. Âm nhạc sẽ kích thích trí não, tương tự như sức khỏe cơ thể được tăng cường nhờ chăm tập thể thao vậy. Hãy cho trí não “vận động” với âm nhạc, nó sẽ trở nên “mạnh mẽ” hơn.

2. Tuy nhiên vẫn còn một vài mặt trái.

Không phải ai cũng có thể tập trung làm việc hoặc học tập khi có tiếng nhạc bên tai.

Bạn sẽ bị sao nhãng

Âm nhạc sẽ khiến người nghe mất tập trung. Nghe nhạc sẽ giúp ta thư giãn, giải trí, để quên đi nỗi buồn. Tuy nhiên, một số công việc đòi hỏi sự tập trung, chẳng hạn như việc đọc sách, hoặc khi ta đang trong một cuộc trao đổi về bài luận, hay đơn giản như đang giải một phương trình khó, âm nhạc sẽ khiến chúng ta không thể chú tâm vào được. Nhạc quá to, hoặc tiết tấu quá nhanh cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới suy nghĩ và gây cản trở cả quá trình ta học tập.

Ngoài ra, trí nhớ ngắn hạn của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trí nhớ ngắn hạn là việc sử dụng các thông tin để xử lý các vấn đề về học hành và các hoạt động nhận thức khác. Trí nhớ ngắn hạn được dùng đến khi chúng ta cố gắng nhớ lại các mục trong danh sách; các bước để giải một bài toán; hoặc nhớ lại một chuỗi các sự kiện.

Đa phần, con người có thể làm việc với nhiều luồng thông tin cùng một lúc. Nếu trí nhớ ngắn hạn tốt, bạn sẽ đồng thời xử lý được nhiều thông tin hơn.

Tuy nhiên nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị rằng, nghe nhạc nhiều sẽ làm giảm chức năng của trí nhớ ngắn hạn. Nếu bạn đang gặp khó vì phải xử lý hàng đống công việc một lúc, thì tốt nhất là không nên nghe nhạc, nó sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Âm nhạc làm giảm khả năng đọc hiểu

Một số loại nhạc hiện hành, ví dụ như những thể loại có tiết tấu nhanh, gây ồn ào, âm nhạc có tiếng hát sẽ khiến người nghe khó đọc và tiếp thu các tài liệu. Cho dù bạn có đang xem một chương trình văn học thời nữ hoàng Victoria vào một tối nào đó, hay đang đọc trực tiếp một quyển sách giáo khoa sinh học chẳng hạn, thì thể loại nhạc cổ điển với tiết tấu chậm rãi có lẽ sẽ là một lựa chọn phù hợp hơn.

3. Vậy thì, nên nghe những loại nhạc nào?

Đôi khi, vừa nghe nhạc vừa học bài hoặc làm việc không phải lúc nào cũng làm giảm hiệu quả và năng suất cả. Nếu bạn là người thích việc này, hãy cứ tiếp tục. Hãy ghi nhớ những mẹo sau đây để giúp bạn có thể kết hợp thật tốt giữa âm nhạc và việc học của mình:

– Đừng nghe nhạc có lời. Bất cứ bài hát nào có lời sẽ khiến bạn bị sao nhãng vì bộ não sẽ bị chi phối bởi ngôn ngữ trong bài hát đó

– Lựa chọn các thể loại nhạc không lời, nhịp điệu chậm theo những nghiên cứu đã kiến nghị. Còn không, bạn có thể nghe thử những thể loại nhạc điện tử nhẹ nhàng, loại tạo cảm giác như đang được mát-xa ở trong Spa vậy

– Nên tránh xa các thể loại nhạc mang tính nghiên cứu khoa học hoặc loại có tính chất bất ngờ cho người nghe. Đó là các thể loại có nhịp điệu thay đổi đột ngột, hoặc không đồng đều, nó khiến bạn sẽ phải dự đoán cái gì sẽ xảy ra sau đó. Điều này sẽ làm cho bộ não bị sao nhãng, không thể tập trung vào mục đích chính được.

– Hãy mở âm lượng thấp. Âm nhạc chỉ nên đóng góp dưới vai trò là một bản nhạc nền với âm lượng vừa đủ.

– Nên nghe những bài hát dạng kiểu thể loại bạn vừa không thích, cũng không ghét nó, khả năng tập trung sẽ được cải thiện.

– Nên nghe những chương trình nhạc không có tính thương mại, vì sẽ có những đoạn quảng cáo chen ngang bất ngờ khiến chúng ta khó chịu, rồi làm lệch hướng suy nghĩ của chúng ta đi.

Ngoài ra, cũng có nhiều loại âm thanh chúng ta nên thử

Nếu âm nhạc cũng không thể giúp ích gì cho khả năng tập trung và bạn chỉ muốn học hoặc làm việc trong sự tĩnh lặng hoàn toàn thì cũng không dễ dàng đâu. Bạn sẽ bị chi phối bởi những âm thanh chung quanh từ con người, giao thông,..phát ra liên tục khiến bạn không thể tập trung sâu được. Đúng chứ? Nếu vậy, hãy thử nghe qua một vài âm thanh sau đây để khiến bạn thấy dễ chịu hơn:

Âm thanh tự nhiên

[ToMo] Vừa Học Tập Vừa Nghe Nhạc - Nên Hay Không Nên? - YBOX

Nếu bạn là người thích cảm giác học và làm việc ngoài trời, thì những loại âm thanh tự nhiên nhẹ nhàng sẽ mang đến bầu không khí thư thái, dễ chịu. Có nhiều lựa chọn cho bạn, chẳng hạn như: tiếng thác đổ, tiếng nước chảy, sóng biển, tiếng mưa rơi, hoặc tiếng chim hót và tiếng lá cây xào xạc. Có rất nhiều nguồn để bạn tìm kiếm, Youtube, Pandora, và một vài dịch vụ trực tuyến khác.

Tiếng ồn trắng hay được gọi là nhạc trắng (White noise)

Nếu như những âm thanh ngẫu nghiên cũng không phù hợp với bạn, thì nhạc trắng có thể dùng để giảm đi những tiếng ồn xung quanh, giúp bạn tập trung hơn. Một nghiên cứu vào năm 2017 đã chỉ rằng, nhạc trắng có thể giúp người nghe tăng cường khả năng học tập và nhớ lâu. Bạn có thể nghe chúng từ các ứng dụng, hoặc đơn giản, có thể làm với những thiết bị tại gia như: tiếng cánh quạt quay, tiếng nhiễu sóng từ chiếc radio nhỏ.

Các đoạn nhạc có tần số khác nhau (Binaural beats)

Thực sự, những nghiên cứu về thể loại âm nhạc này hiện vẫn rất sơ khai, tuy nhiên một số nguồn nghiên cứu khá hạn chế về thể loại trên cũng đã đề cập tính hữu dụng của Binaural beats, nó giúp tăng khả năng tập trung, đặc biệt dành cho những người mắc hội chứng ADHD.

Binaural beat là kiểu âm thanh phát ra ảo thính giác, mỗi bên tai sẽ được nghe hai âm thanh khác nhau cùng một lúc. Hai âm thanh này có tần số chỉ chênh nhau khá nhỏ. Ví dụ, bên tai trái là 187 hz, bên phải là 201 hz, rồi một âm thanh thứ 3 sẽ được tạo ra có tần số là sự chênh lệch trên: 14hz. Âm thanh thứ 3 này mới chính là những gì chúng ta đang nghe.

Nhiều người sau khi thử nghe đã có những thay đổi tích cực hơn, các biểu hiện như lo lắng, mất tập trung, mất ngủ đã suy giảm đáng kể.

4.

Tóm lại, điều quan trọng nhất cần phải nhớ đó là:

Âm nhạc vừa có thể giúp chúng ta cải thiện tâm trạng được tốt hơn, tạo động lực để vượt qua các trở ngại trong học tập cũng như công việc hằng ngày, tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng thực sự mang lại hiệu quả. Thậm chí, kể cả những người yêu thích âm nhạc cũng có thể thấy khó khăn khi kết hợp chúng lại với nhau.

Hãy lựa chọn kĩ càng những gì sắp nghe để tối đa hóa lợi ích của chúng mang lại, nhưng nếu vẫn chưa khả quan thì nên thử các thể loại âm thanh khác như Nhạc trắng, âm thanh tự nhiên hoặc các tùy chọn khác.

Tác giả: Crystal Raypole

Link bài gốc: Music and Studying: Do They Go Together? (healthline.com)

Dịch giả: Mai Tiến Lâm – ToMo – Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là « Dịch Giả: [Tên dịch giả] – Nguồn: ToMo – Learn Something New ». Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: « Theo ToMo » hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo – Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.