Về Quy Nhơn thăm tượng đài Trần Hưng Đạo – Báo Đắk Lắk điện tử

Tính đến nay, tượng Đức thánh Trần tại Quy Nhơn đã có tuổi đời hơn 40 năm. Tượng được khởi công xây dựng năm 1972, hoàn thành năm 1973, do kiến trúc sư Đàm Quang Việt thiết lập đồ án và điêu khắc, Giám đốc công trường Mai Trọng Truật trợ giúp thi công.

Từ TP. Quy Nhơn nhìn sang bán đảo Phương Mai, tượng đài tọa lạc trên ngọn đồi cao 40m so với mực nước biển. Tượng cao 16m, tạc dáng Hưng Đạo Đại vương trong tư thế xung trận, đứng trên thuyền rồng chỉ huy trận đánh quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng với chiến bào áo giáp mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải đạp trên mạn thuyền, tay trái nắm chuôi gươm đeo bên hông, tay phải chỉ thẳng về phương Bắc. Gương mặt Hưng Đạo Đại Vương toát lên thần thái uy nghi, cương nghị của vị dũng tướng thống lĩnh ba quân.

Tượng đài Trần Hưng Đạo. Tượng đài Trần Hưng Đạo.

Bệ đỡ tượng đắp bốn bức phù điêu theo bốn hướng, miêu tả con người Đức thánh Trần và những sự kiện lịch sử trọng đại của nhà Trần trong công cuộc chống quân Nguyên Mông. Bức hướng đông miêu tả hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương gạt bỏ niềm riêng để tạo mối đoàn kết dân tộc trước sức mạnh quân thù. Bức phù điêu hướng tây họa cảnh Trần Hưng Đạo khuyên vua quyết đánh chứ không nên hàng. Bức hướng nam là hình ảnh các bô lão với khí thế “sát Thát” tại Hội nghị Diên Hồng. Bức hướng bắc là hình ảnh một chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo. Những bức phù điêu này, qua thời gian, do tác động của mưa nắng và hơi nước biển nên dần bị bào mòn, bong tróc. Nhưng, hào khí Đông A một thuở qua những bức phù điêu dưới chân tượng Đức thánh Trần vẫn như còn nguyên vẹn đến hôm nay.

Cũng như bao người con nước Việt, người dân Quy Nhơn bao đời nay vẫn luôn tự hào, tưởng nhớ, biết ơn công đức to lớn của Trần Hưng Đạo. Tượng đài Đức thánh Trần có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa của người dân Quy Nhơn. Người dân ở đây tin rằng Đức thánh Trần chỉ tay ra biển, ngăn chặn bão giông, che chở, phù hộ cho thành phố được bình yên, phát triển. Như một ngọn hải đăng, tượng đài còn là nơi hướng đến của lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, tri ân tiền nhân trong lòng mỗi người dân phố biển.

Du khách có thể đến viếng tượng Hưng Đạo Đại Vương bằng cách đi ca nô, đò từ bến Hàm Tử sang làng chài Hải Minh theo con đường đất quanh co với vẻ đẹp hòa quyện giữa núi – trời – biển hữu tình.

Đến Quy Nhơn, sẽ là một thiếu sót nếu chưa sang bán đảo Phương Mai viếng thăm tượng đài Đại vương Trần Hưng Đạo, một địa danh văn hóa, tâm linh nổi tiếng của thành phố. Viếng tượng, nhớ về những chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần và công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương để thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, để thấy mình có trách nhiệm hơn với Tổ quốc hôm nay.

Phạm Tuấn Vũ