Ghé thăm cột cờ Lũng Cú Hà Giang: kinh nghiệm đi, lưu ý cần thiết

Cột cờ Lũng Cú – địa điểm du lịch Hà Giang vô cùng nổi tiếng. Đến Hà Giang bạn nhất định phải ghé thăm địa điểm này. Cùng Lion Trip tìm hiểu về cột cờ nổi tiếng nhất Hà Giang trong bài viết dưới đây nhé!

1. Cột cờ Lũng Cú ở đâu?

Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh núi Rồng – ngọn núi có độ cao gần 1500m so với mực nước biển. Từ cột cờ này đến cực Bắc của Tổ Quốc còn gần 2km tuy nhiên trong tiềm thức của người Việt đây từ lâu đã được xem là biểu trưng của vùng phía trên cùng đất nước.

Cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang
Cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang

2. Cách đi đến cột cờ Lũng Cú

Hà Nội đến Hà Giang quãng đường dài khoảng 300km, sau đó bạn mất khoảng 140km nữa để lên đến Lũng Cú. Có 2 cách đi đến cột cờ Lũng Cú là bằng xe khách hoặc xe máy.

Đi theo đường QL 4C lên phía đông bắc là đến Đồng Văn. Từ đây, tiếp tục chạy xuôi theo con đường nhựa nối liền hai xã Lũng Cú – Đồng Văn khoảng 40km sẽ đến được điểm cực Bắc Tổ quốc.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng

Nếu đi bằng xe máy, trên đường đi bạn sẽ khá được khám phá nhiều điểm dừng chân như cổng trời Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, dinh thự họ Vương,…Bạn nên xuất phát từ Đồng Văn vào thời điểm buổi sáng để đến Lũng Cú vì đoạn đường khá xa.

3. Cột cờ Lũng Cú cao bao nhiêu m? Có bao nhiêu bậc thang?

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ triều Lý với nguyên liệu chính là câu sa mộc. Trải qua bao nhiêu lần trùng tu, xây dựng cột cờ Lũng Cú hiện nay cao 33,15m. Phần chân cờ cao tới 20,25m. Trên đỉnh là là quốc kỳ của Việt Nam với diện tích 54m2 trong khi đó phần cán cờ là 12,9m.

Cột cờ Lũng Cú cao 33,15m
Cột cờ Lũng Cú cao 33,15m

Đường lên cột cờ Lũng Cú phải trải qua 839 bậc thang được chia làm 3 chặng. Chặng đầu tiên 425 bậc từ chân núi lên đến nhà chờ. Chặng thứ 2 gồm 279 bậc từ nhà chờ đến chân cột cờ. Chặng cuối cùng từ chân cột cờ đi ben theo 135 bậc thang hình xoắn ốc mới lên được đỉnh. Con đường tới nơi khá gian nan nhưng khi lên tới đỉnh bạn sẽ ngay lập tức nhận được trái ngọt, cả núi rừng Hà Giang thu vào trong tầm mắt, lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên đầu, quả thật rất thiêng liêng.

Lưu ý: Du khách có thể đi xe máy hoặc xe điện thẳng đến khu nhà chờ.

4. Cột cờ Lũng Cú có tác dụng gì? Ý nghĩa của điểm tham quan này?

Cột cờ Lũng Cú gắn với nhiều câu chuyện thiêng liêng về lịch sử dân tộc. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên giới đã cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền của đất nước ta. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, ông hiểu được tầm quan trọng của mảnh đất cực bắc này và cho xây dựng một đồn gác nơi đây. Năm 1978, Đồn biên phòng Lũng Cú cho cắm cột cờ tại đỉnh núi Rồng ở vị trí như ngày nay. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, đây được chọn là nơi đóng chốt để bảo vệ Long Sơn.

Cột cờ hiên ngang giữa trời đất
Cột cờ hiên ngang giữa trời đất

Trải qua bao nhiêu thời kỳ lịch sử, cột cờ quốc gia Lũng Cú trở thành một biểu tượng lịch sử, một biểu trưng đánh dấu chủ quyền của toàn dân tộc. Không chỉ vậy, nó còn khiến mỗi con dân Việt Nam khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc có cơ hội được hiểu hơn về lịch sử nước nhà, từ đó dâng lên niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc mà yêu nước hơn.

Du khách checkin tại cột cờ Lũng Cú như một dấu ấn đáng nhớ
Du khách checkin tại cột cờ Lũng Cú như một dấu ấn đáng nhớ

Ngày nay, cột cờ Lũng Cú là một địa danh du lịch Hà Giang nổi tiếng. Mỗi năm, cột cờ thu hút hàng ngàn lượt khách ghé tham quan. Du khách đến Hà Giang chắc chắn phải một lần đặt chân lên cột cờ, cùng nghe những câu chuyện lịch sử, cùng ngắm cảnh và lưu giữ lại kỷ niệm bằng bức hình xinh xắn. Không chỉ khách du lịch Việt Nam và cả quốc tế đều dần biết đến nơi đây nhiều hơn. Thành phố Hà Giang vì thế càng đầu tư hơn cho di tích này cả về vẻ ngoài lẫn chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách.

5. Ngắm gì trên cột cờ Lũng Cú? Giá vé tham quan cột cờ

Giá vé cột cờ Lũng Cú: 25.000 vnđ/người

Vé gửi xe: 2.000 vnđ/xe

Lưu ý:

  • Miễn phí với nhóm đối tượng: cán bộ lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh,…
  • Giảm 50% với nhóm đối tượng: người cao tuổi, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ xa đã đẹp, lại gần còn đẹp hơn. Một cột cờ được dựng sừng sững ngay đỉnh Long Sơn. Chân cột khắc phù điêu tỉ mỉ những nét hoa văn trống đồng uốn lượn. Lá cờ rộng tung bay giữa nền trời xanh biếc. Từ trên đài quan sát, toàn cảnh Hà Giang hiện hữu ngay trong tầm mắt. Phía xa là thung lũng Thèn Ván nằm ẩn mình giữa núi rừng. Dòng sông Nho Quế uốn lượn chảy chầm chậm đổ nước về xuôi. Từng nếp nhà cổ kính của người dân bản Lô Lô hiện lên mờ ảo trong khói lam chiều.

Du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Giang khi ghé thăm nơi này
Du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Giang khi ghé thăm nơi này

Giữa thiên nhiên bạt ngàn có hai hồ nước nhỏ, một thuộc làng Thèn Ván, một thuộc làng Lô Lô. Người dân Hà Giang hay gọi chúng với cái tên linh thiêng: Mắt rồng. Dù thời tiết có khô cạn thế nào nước ở hai hồ này cũng không bao giờ cạn. Đây chính là món quà tạo hóa ban tặng cho người dân nơi đây ăn uống và sinh hoạt. Đi đúng vào mùa bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa tam giác mạch bất tận hay ruộng bậc thang tuyệt đẹp đặc trưng của vùng đất địa đầu.

6. Những lưu ý khi đến cột cờ Lũng Cú

  • Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn đọc có những trải nghiệm trọn vẹn hơn khi tham quan di tích cột cờ Lũng Cú Hà Giang:
  • Nên di chuyển bằng xe máy để thưởng thức được nhiều cảnh đẹp trên đường đi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn người cầm lái phải chắc tay và có kinh nghiệm đi đường đèo nhé.
  • Chú ý mặc trang phục kín đáo, không quá phô chương, đi lại nói năng nhẹ nhàng không làm hỏng bầu không khí nơi di tích.
  • Không xả rác bừa bãi trên đường đi hay trên đỉnh cột cờ.
  • Khi chụp hình không leo trèo lên các di tích lịch sử.

Cột Cờ Lũng Cú thu hút rất nhiều du khách tham quan trong những năm gần đây. Hãy dành thời gian đến nơi đây trải nghiệm để yêu thêm đất nước, yêu thêm những cảnh quan kì vĩ và yêu thêm lịch sử dân tộc.