Rượu trái giác (Rượu nho rừng) chữa ngộ độc, trúng thực cực hay

Nếu có ai hỏi rằng ám ảnh lớn nhất thời niên thiếu của tôi là gì, tôi sẽ trả lời là bị trúng thực. Và nếu hỏi điều may mắn nhất, tôi cũng không do dự trả lời rằng đã thoát được cái chết suýt xảy đến (cũng vì trúng thực).

So với “ngộ độc thực phẩm”, cách gọi “trúng thực” khá quen thuộc, tạo cảm giác dễ chữa trị mặc dù chúng đều chỉ tình trạng bị trúng độc sau khi ăn uống thực phẩm có độc, nhiễm khuẩn hoặc bị biến chất… Tôi vẫn thường nhầm lẫn “trúng thực” với “khó tiêu” cho đến khi tôi bị trúng thực theo đúng nghĩa “thập tử nhất sinh”.

Câu chuyện khi tôi bị trúng thực

Lần đó, mẹ tôi được tặng gói đậu me đã phơi khô, hạt rất to và sẵn tiện nấu thành một nồi chè rất ngon. Vốn tánh tham ăn nên dù trời đã tối, tôi vẫn ăn liền một chập cả hai chén đầy mới đi ngủ.

Thế rồi, hơn 9 giờ tối, tôi lên cơn chóng mặt buồn nôn. Thấy lạ trong người, tôi nặn gió trên trán rồi soi gương xem có phải bị trúng gió không. Như không tin vào mắt mình, tôi phải bật thêm đèn và giật mình khi thấy môi của mình màu thâm tím. Lúc này thì tôi chắc mình trúng độc (như tôi từng xem trong các bộ phim).

Tôi đã thoa thật nhiều dầu nhưng càng thoa càng thấy lạnh. Đến khi thấy hơi khó thở và da mặt tôi nổi gai ốc, tôi thực sự sợ hãi và gọi cha mẹ tôi. Lập tức, mẹ tôi cho uống viên sủi bọt rồi cạo gió, cha tôi thì áp đôi tay ấm (đã hơ qua ngọn đèn dầu) vào mặt tôi.

Lúc ấy, người tôi run bần bật và tôi thấy lạnh thấu xương, nước mắt chảy mà không kiểm soát được. Nửa tiếng sau, vết cạo gió đầy trên người nhưng tình trạng của tôi vẫn không giảm được bao nhiêu.

Mẹ tôi điều tra các món ăn trong ngày và kết luận chỉ có thể là đậu me kị với một món nào đó nữa mà tôi đã ăn (vì cả nhà tôi cũng ăn chè nhưng không ai có vấn đề gì cả).

Bài thuốc nam tuyệt vời từ rượu trái giác

Nửa tiếng sau, tôi vẫn còn buồn nôn và lạnh. Cha mẹ tôi vẫn ngồi hơ tay cho nóng rồi nắm chặt bàn tay, bàn chân lạnh như nước đá của tôi. Ôi thôi, tôi như thấy trước mắt cái chết của mình. Thế rồi, như sực nhớ ra ở nhà có rượu trái giác, mẹ tôi lập tức rót liền cho tôi một ly nhỏ.

Tôi nín thở nốc cạn ngay và nghe như một luồng hơi nóng theo rượu chạy xuống bụng. Tôi nhấm nháp môi: rượu trái giác ngọt, nồng và cũng khá thơm.

Thực sự, các triệu chứng trúng thực giảm nhanh đến nỗi tôi cũng không tin cái keo rượu tiêu khiển của cha lại có thể cứu mạng mình. Gần nửa tiếng sau, tôi khỏe lại thì cha mẹ tôi cũng mệt lả nhưng không quên dặn tôi hễ thấy lạ trong người thì kêu ngay. Riêng tôi, dù hôm ấy ngủ ngon tới sáng nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên trúng thực vẫn bám theo đến tận bây giờ.

Mà cũng từ hôm đó, tôi yêu quý keo rượu trong tủ hơn. Mỗi khi đi qua bụi tre bị giàn dây giác phủ đầy, nhìn những chùm trái giác chín đen mọng, tôi không còn thấy nó là loài dây leo dại gây ngứa nữa mà nó là trái giác để nấu canh chua, là trái giác để ngâm rượu đường phèn dành cho những ai thích nhâm nhi sau bữa ăn và là cứu tinh cho những ai bị trúng thực!hình ảnh trái giác qua rnho rừng

Cách ngâm rượu trái giác đường phèn đơn giản nhất

Chuẩn bị:

  • 1 kg đường phèn (giã nhỏ)
  • 1 kg trái giác chín (rửa sạch, để thật ráo nước)
  • Một keo (bình) thủy tinh.

Tiến hành ngâm:

  • Tỉ lệ ngâm rượu trái giác đường phèn là 1:1.
  • Để một phần đường phèn vào keo thủy tinh, dải đều thành lớp mỏng rồi để một lớp trái giác lên, cứ xen kẽ nhau cho đến khi hết nguyên liệu.
  • Đậy nắp thật kỹ, để vào bóng râm khoảng hai tháng thì bắt đầu dùng.
  • Mỗi lần uống một ly nhỏ trước khi đi ngủ.
  • Rượu trái giác có màu tím đen, vị ngọt, nồng và có mùi thơm nên rất dễ uống (kể cả phụ nữ).

Công dụng của rượu trái giác

  • Điều trị chứng khó tiêu, trúng thực.
  • Làm ấm bụng, giảm nhức mỏi
  • Giúp máu huyết lưu thông và có giấc ngủ tốt.

Thông tin thêm về dây giác

Cây giác còn có tên gọi cây nho rừng, là loại dây leo hoang dại sống lâu năm và rất phổ biến ở Nam Bộ. Trái giác (quả nho rừng) thuộc loại quả mọng, hình cầu dẹt, khi chín có màu tím đen, thường được dùng để nấu canh chua (cả quả xanh và quả chín).

Ngoài trái giác, thân và rễ dây giác cũng được dùng để điều trị rôm sảy ở trẻ nhỏ (nấu lấy nước tắm) và mụn nhọt (giã nát rễ với một ít tiêu sọ rồi đắp lên).

Thời gian gần đây, sản phẩm Rượu vang trái giác tại quê tôi (Kiên Giang) đã được chú trọng và định hướng sản xuất theo hướng công nghiệp (với nguồn cung cấp tự nhiên từ rừng U Minh), xứng đáng trở thành đặc sản của Tây Nam Bộ.

(Tuyết Nhi)