Sự thật về tác dụng của Omega-3-6-9 đối với phụ nữ có thai

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm bổ sung Omega 3-6-9 được giới thiệu với những công dụng rất tốt cho bà bầu. Vậy điều đó có đúng không? Cùng tìm hiểu về sự thật đằng sau những công dụng của chế phẩm Omega 3-6-9 đối với phụ nữ có thai qua bài viết sau đây.

  • Tuyệt chiêu nhận biết dầu cá Omega 3 loại nào tốt?
  • Bí quyết cho con thông minh ngay từ trong bụng mẹ
  • Bổ sung Omega 3 cho bà bầu như thế nào mới đúng?

Sự thật về tác dụng của Omega-3-6-9 đối với phụ nữ có thai 1

Omeg-3-6-9 có công dụng gì đối với phụ nữ có thai và cho con bú?

Omega 3-6-9 là gì?

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã nghe nói về “Omega-3” hoặc “axit béo”, nhưng bạn có biết axit béo là gì, có bao nhiêu loại axit béo thiết yếu và tại sao cơ thể chúng ta cần nó? Axit béo rất cần cho sự hoạt động bình thường của các hệ thống trong cơ thể chúng ta, bao gồm cả da, não bộ, hệ tuần hoàn, hô hấp và các cơ quan khác. Cơ thể chúng ta có thể tự tổng hợp được các axit béo, trừ hai loại axit béo cơ thể không tự tổng hợp được, còn gọi là các axit béo thiết yếu (EFAs). Hai loại axit béo cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải cung cấp hoàn toàn từ bên ngoài đó là các axit béo Omega-3 và Omega-6. Omega-9 không phải là axit béo thiết yếu vì cơ thể có thể tự tổng hợp ra nó từ các Omega-3 và Omega-6.

Phân biệt Omega-3, Omega-6 và Omega-9

Phân biệt Omega-3, Omega-6 và Omega-9 1

Omega-3, omega-6 và omega-9 là các loại axit béo có công dụng khác nhau

Omega-3, Omega-6 và Omega-9 đều là các nhóm axit béo không no, tuy nhiên chúng khác nhau ở vị trí nối đôi đầu tiên. Đối với Omega-3 thì vị trí nối đôi trong công thức phân tử ở vị trí Carbon thứ 3, Omega-6 thì có nối đôi ở Carbon thứ 6, Omega-9 thì có vị trí nối đôi ở Carbon số 9. Mỗi nhóm axit béo này có một công dụng khác nhau đối với cơ thể và đối tượng cần bổ sung các loại axit béo này cũng khác nhau:

– Omega 3 (Alpha-linolenic Acid): là một nhóm acid béo thiết yếu đóng vai đặc biệt trò quan trọng trong chức năng não bộ, thị giác, hệ miễn dịch và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Trong cơ thể các axit béo omega-3 đều được chuyển đổi thành DHA và EPA (axit docosahexaenoic và axit eicosapentaenoic). DHA là axit béo không bão hòa đa có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị lực và chức năng não của trẻ sơ sinh. Trong khi đó vai trò chủ yếu của EPA là giúp vận chuyển DHA từ mẹ qua nhau thai để đến được với thai nhi. Các nghiên cứu chỉ ra DHA được vận chuyển qua nhau thai tốt nhất ở tỉ lệ ~ 4DHA/1EPA.

Xem thêm: Tại sao phụ nữ mang thai cần bổ sung đồng thời cả DHA và EPA?

– Omega-6 (Linoleic Acid): có lợi ích là giúp giảm các cholesterol xấu trong cơ thể và chống viêm. Tuy nhiên, chỉ ở tỉ lệ thích hợp Omega-6 so với Omega-3 là 1:1 đến 2: 1 thì mới phát huy được các lợi ích đối với thai kỳ bao gồm: phát triển tối ưu não bộ, thị giác của thai nhi; phát triển hệ miễn dịch, giảm nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, giảm tiền giản giật, đái tháo đường, trầm cảm sau sinh ở mẹ. Nếu bổ sung Omega-6 với tỉ lệ cao hơn sẽ không đem lại lợi ích như mong muốn đối với phụ nữ có thai.

– Omega-9 (Oleic Acid) là nhóm axit béo cơ thể có thể tự tổng hợp được từ hai loại Omega-3 và Omega-6. Loại axit béo này đóng vai trò trong việc nâng cao sức khỏe tim mạch bằng cách hỗ trợ hoạt động của hệ tuần hoàn, duy trì mức cholesterol lành mạnh và tăng cường hệ miễn dịch.

Có cần bổ sung Omega 3-6-9 khi mang thai và cho con bú?

Thực tế là phụ nữ có thai nên bổ sung nhóm axit béo Omega-3 riêng biệt thay vì chế phẩm Omega 3-6-9, trong đó đặc biệt là DHA và EPA. Tại sao lại như vậy? Chúng ta đã biết bổ sung tỉ lệ omega-6 nhiều hơn gấp đôi so với omega-3 thì sẽ làm giảm đi lợi ích đem lại cho sức khỏe ở phụ nữ có thai của nhóm axit béo này. Tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Mỹ và Nhật thì chế độ ăn của chúng ta đã cung cấp quá thừa Omega-6, thậm chí tỉ lệ Omega-6 gấp 15 lần so với Omega-3 trong các món ăn chế biến nhanh. Vì vậy, thực chất các chế phẩm chứa cả 3 loại Omega-3-6-9 được dùng để bổ sung hỗ trợ sức khỏe tim mạch và xương khớp ở những người có nguy cơ hoặc mắc bệnh tim mạch, xương khớp chứ không phải dùng để bổ sung cho phụ nữ mang thai.

Có cần bổ sung Omega 3-6-9 khi mang thai và cho con bú? 1Phụ nữ có thai cần bổ sung thêm Omega-3 để cân bằng với tỉ lệ Omega-6 đã dư thừa trong chế độ ăn

Một nghiên cứu thực hiện tại Na Uy trên các bà bầu mang thai tuần thứ 17 đến 19, được lựa chọn ngẫu nhiên vào hai nhóm, một nhóm bổ sung dầu cá tuyết (giàu axit béo omega-3, trong đó đặc biệt là DHA và EPA), một nhóm bổ sung dầu ngô (ít omega-3, giàu omega-6 hơn) hàng ngày cho đến hết 3 tháng sau khi sinh. Kết quả cho thấy trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bổ sung dầu cá có nồng độ DHA trong dây rốn cao hơn 23% so với nhóm bổ sung dầu ngô. Điều này cho thấy lượng DHA thai nhi nhận được phụ thuộc và lượng mà bà mẹ bổ sung hàng ngày khi mang thai. Thú vị hơn nữa là kết quả theo dõi khi trẻ được 4 tuổi cho thấy nhóm trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bổ sung dầu cá trong thời gian mang thai và cho con bú thì có điểm số tư duy cao hơn so với nhóm bổ sung dầu ngô.

Xem thêm: Bí quyết chọn Omgea-3 tốt nhất cho bà bầu/ Hướng dẫn bổ sung DHA cho bà bầu trong suốt thai kỳ

Kết luận: có sự khác biệt rất lớn về tác dụng cũng như đối tượng sử dụng của các loại Omega-3, Omega-6 và Omega-9 mà chúng ta cần hiểu rõ để sử dụng chúng đúng mục đích và hiệu quả. Các axit béo thiết yếu đem lại lợi ích tốt nhất cho bà bầu nếu lượng Omega-6 cung cấp không vượt quá 2 lần Omega-3. Tuy nhiên trong khẩu phần ăn bình thường, lượng Omega-6 lại cao gấp nhiều lần Omega-3 nên thực tế phụ nữ có thai và cho con bú chỉ nên bổ sung các chế phẩm chứa Omega-3 riêng biệt thay vì các chế phẩm Omega-3-6-9 để giúp con thông minh hơn, tăng cường hệ miễn dịch cho con và đảm bảo sức khỏe của mẹ trong thai kỳ.

DS. Trâm Anh tổng hợp

Nguồn tham khảo: 1. James A Greenberg, Stacey J Bell, Wendy Van Ausdal. Rev Obstet Gynecol. 2008 Fall; 1(4): 162-169. Omega-3 Fatty Acid Supplementation During Pregnancy [PubMed] 2. Jensen CL. Effects of n-3 fatty acids during pregnancy and lactation. 2006;83:1452S-1457S. [PubMed] 2. Koletzko B, Larqué E, Demmelmair H. Placental transfer of long-chain polyunsaturated fatty acids (LC-PUFA) J Perinat Med. 2007;35:S5-S11. [PubMed] 3. Olsen SF, Hansen HS, Sorensen TI, et al. Intake of marine fat, rich in (n-3)-polyunsaturated fatty acids, may increase birthweight by prolonging gestation. Lancet. 1986;2:367-369. [PubMed] 4. Smuts CM, Huang M, Mundy D, et al. A randomized trial of docosahexaenoic acid supplementation during the third trimester of pregnancy. Obstet Gynecol. 2003;101:469-479. [PubMed] 5. Jacobson JL, Jacobson SW, Muckle G, et al. Beneficial effects of a polyunsaturated fatty acid on infant development: evidence from the Inuit of Arctic Quebec. J Pediatr. 2008;152:356-364. [PubMed] 6. Helland IB, Smith L, Saarem K, et al. Maternal supplementation with very-long-chain n-3 fatty acids during pregnancy and lactation augments children’s IQ at 4 years of age. Pediatrics. 2003;111:e39-e44.[PubMed]