Những câu hỏi đặt ra cho mô hình kinh doanh vườn thú tư nhân

Một thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện cả nước có trên 700 cơ sở gây nuôi các loài động vật hoang dã, được đăng ký với số đầu vật nuôi lên đến hàng triệu cá thể. Nhìn từ góc độ tiêu chuẩn kỹ thuật của việc xây dựng vườn thú, không chỉ Vinpearl Safari Phú Quốc mà các vườn thú công và tư ở Việt Nam cũng tồn tại nhiều vấn đề. Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Thu Trang – nghiên cứu sinh đại học Cambridge, người có nhiều hoạt động về bảo tồn động vật hoang dã và cũng là khách mời nói chuyện chuyên đề về bảo tồn tại chương trình hằng năm của Fauna & Flora Internationnal (*).

Nguyễn Thị Thu Trang và Nhà thám hiểm Kingsley Holgate (thành viên tổ chức Hoàng Gia Địa Lý – Lãnh đạo tổ chức bảo tồn tê giác « Rhino Elder »). Ảnh: CTV

Thế nào là bảo tồn động vật hoang dã?

Trước nhiều thông tin về thú chết và sổng chuồng ở Vinpearl Safari Phú Quốc mang lại cho chị cảm nhận như thế nào? Rất nhiều loại thú quí, hiếm vừa vượt một chặng đường dài, đến một sinh cảnh mới, nhưng chỉ 7 ngày sau đã khai thác cho du khách tham quan, cách làm ấy theo chị nên hiểu thế nào từ góc độ khoa học?

Ở vị thế của người hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, tất nhiên tôi cảm thấy không vui. Việc thu mua và sưu tập nhiều loại thú trên thế giới đến cùng một nơi trong một khoảng thời gian ngắn để phục vụ cho mục đích giải trí có thể coi là hành vi bóc lột động vật.

Trước tiên, khi vận chuyển thú trên một chặng đường dài phải có những kiểm định và kiểm tra về sức khỏe của từng cá thể động vật để khẳng định chúng không có dịch bệnh. Có những dịch bệnh không cho thấy dấu hiệu ngay, nhưng có thể phát bệnh từ từ, và nếu một khi dịch bệnh đã lan ra thì chúng lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở những nơi nuôi giữ tập trung nhiều loại thú như ở Vinpearl Safari Phú Quốc.

Ngoài ra, việc để thú có tiếp xúc gần với con người cũng có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Có rất nhiều dịch bệnh mà khoa học đã chứng minh có thể lây lan từ con người cho động vật hoang dã và ngược lại. Ví dụ như dịch bệnh SARS, Ebola, West Nile, AIDS… đều có nguồn gốc lây lan từ động vật sang cho người.

Bên cạnh đó còn có yếu tố động vật trong quá trình vận chuyển, nhất là trên những chặng đường dài thường bị căng thẳng về tâm lý. Chúng cần được nghỉ ngơi yên tĩnh để ổn định lại tâm lý trước khi bị mang ra khai thác cho con người tham quan.

Nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc đang chăm sóc vượn cáo đuôi khoang. Ảnh: CTV

Hiện nay ở Việt Nam nổi lên hiện tượng tư nhân tham bảo tồn động vật hoang dã, bằng việc mở ra các khu du lịch, vườn thú… Từ quan điểm cá nhân, chị có cảm nghĩ gì về “trào lưu” này?

Tôi nghĩ cần phải làm rõ thế nào là « Bảo tồn động vật hoang dã ». Không thể nói rằng cứ có nhiều kinh phí, mua một miếng đất lớn, xây dựng chuồng trại rồi đưa thật nhiều động vật hoang dã về để chăn nuôi trong khu vực chuồng trại thì có thể nói rằng: « Tôi đang làm công tác bảo tồn động vật hoang dã ».

Bảo tồn đời sống hoang dã là hoạt động bảo tồn động – thực vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Việc thu mua thật nhiều động vật hoang dã để lập sở thú hay Safari như Vinpearl đang làm không thể gọi đó là hoạt động bảo tồn. Chưa có bất cứ chứng minh thuyết phục nào là hoạt động đó có đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam cũng như trên thế giới.

Trên thế giới có rất nhiều sở thú tư nhân và các sở thú này thực sự có đóng góp cho công việc bảo tồn động vật hoang dã. Ví dụ như tôi đã từng đến thăm sở thú Port Lympne và Howletts ở Anh quốc, Durell Jersey Park ở Mỹ. Đây là những sở thú tư nhân do Gerald Durrell – một nhà tự nhiên học, bảo tồn học sáng lập. Sở thú này có đóng góp cho ngành bảo tồn trên thế giới thông qua nhiều cách: gây quĩ và cung cấp quĩ để bảo tồn môi trường sống của các loài động vật hoang dã tại Châu Phi, gây quĩ và cung cấp quĩ nghiên cứu để những nhà bảo tồn đến làm nghiên cứu về tập tính và sự phân bố của các loài động vật hoang dã. Họ cũng từng cấp kinh phí, học bổng cho những sinh viên giỏi được học và nghiên cứu để trở thành những nhà bảo tồn.

Tư nhân có thể làm bảo tồn và có thể tham gia bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên cần phải làm rõ mục đích của những “sở thú” tư nhân này. Họ có thực sự làm bảo tồn không? Hay chỉ đơn giản là thu mua các loài động vật hoang dã quí hiếm về nuôi rồi mở cửa cho người dân vào xem, giải trí để làm kinh tế? Đây là câu hỏi cần được làm rõ với các sở thú tư nhân, trong đó có Vinpearl Safari Phú Quốc.

Sư tử trắng ở vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc. Ảnh: CTV

Như vậy, theo quan điểm và trải nghiệm của chị, các hoạt động tư nhân nuôi, “khai thác” các loại động vật hoang dã quý hiếm như ở Việt Nam nếu đúng nghĩa bảo tồn thì cần phải làm gì? Bởi khi mở ra một vườn thú như vậy chắc chắn phải bỏ ra một chi phí rất lớn. Khi đó, chắc chắn họ sẽ không mở cửa miễn phí, mà nếu bán vé để thu hồi vốn, áp lực doanh thu rất dễ dẫn đến hành vi còn khá mới mẻ “bóc lột động vật”…

Như đã nói ở trên, những hoạt động tư nhân nuôi, gây giống, khai thác các loài động vật hoang dã quí hiếm thông qua các hình thức giải trí như: xiếc thú, cưỡi voi, hoặc bán thịt, sừng, da của các loài động vật này thì không được gọi là hoạt động bảo tồn.

Ngoài ra, việc lùng mua thú quí hiếm, nuôi sinh sản để tạo ra giống mới (như nuôi lai tạp giữa sư tử và hổ), hoặc nuôi sinh sản để tạo ra đột biến dẫn đến việc sản sinh ra hổ trắng – không thể coi là hoạt động bảo tồn, mà đó là hành vi nuôi, khai thác động vật hoang dã với mục đích tạo ra doanh thu từ dịch vụ giải trí.

Không một sở thú với mục đích làm bảo tồn nào trên thế giới lại thu mua và nuôi giữ hổ trắng trong chuồng. Vì hổ trắng là sản phẩm của hành vi nuôi, lai tạp nhiều cá thể hổ đồng huyết để tạo ra đột biến. Trong tự nhiên, biến dị đột biến này là rất nhỏ. Tuy nhiên, để đáp ứng sự hiếu kỳ của người dân mà nhiều sở thú đã lai tạo, giao phối đồng huyết các cá thể hổ để tạo ra hổ trắng. Sau đó lại cho những cá thể hổ trắng này giao phối với nhau. Vì thế mà chúng thường ốm yếu, mang nhiều loại bệnh, nhiều cá thể hổ trắng mang dị tật, như mắt lác, mũi đỏ, hở hàm ếch, mõm ngắn…

Không chỉ lai tạp hổ mà còn nhiều loài thú khác, như tinh tinh, báo, rắn, cá sấu bạch tạng nuôi giữ trong sở thú đều là kết quả can thiệp của con người… Những sở thú này thường tự nhận và treo biển thông tin đây là phân loài riêng, nhưng đây thực sự là thông tin không chính xác.

Ngay tại Campuchia, nơi tôi đang làm việc cũng có một sở thú tư nhân tự nhận đang hoạt động vì mục đích bảo tồn ở huyện Koh Kong, tuy nhiên sở thú này nhập lậu dã nhân và tổ chức hoạt động biểu diễn xiếc thú, và cho dã nhân đấm bốc để mua vui cho người xem. Đây là hành vi bóc lột động vật hoang dã, không phải là bảo tồn.

Hổ nuôi tại vườn thú Mỹ Quỳnh (ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, Đức Hòa, Long An). Ông Trần Văn Trí, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Cục Kiểm Lâm Long An) cho biết ngày 27.2.2016 ông nhận được điện thoại của ông Lâm Phúc Hoành, Giám đốc vườn thú Mỹ Quỳnh thông báo một con hổ vàng trọng lượng hơn 100 kg chết tại vườn thú này. Trước đó ông Hoành cho biết con hổ này có biểu hiện tâm thần do nó thường xuyên nhảy lồng lộn trong chuồng (theo Pháp Luật TP.HCM)

Qui chuẩn nào cho bảo tồn?

Để bảo đảm phúc lợi động vật, kinh nghiệm quốc tế là như thế nào, thưa chị?

Để đảm bảo cho phúc lợi động vật thì việc đầu tiên và đơn giản nhất phải đặt quyền lợi của động vật hoang dã lên hàng đầu.

Ví dụ, trong điều kiện nuôi nhốt, chuồng trại phải đảm bảo đủ các yếu tố theo yêu cầu của từng loài vật, và phải đảm bảo để các loài động vật này có thể thực hiện những hành vi và tập tính của chúng trong điều kiện tự nhiên. Chuồng trại phải luôn cung cấp đầy đủ nước uống, bóng râm, chỗ trú ẩn (để động vật có thể trốn, tránh bị nhòm ngó bởi người tham quan, hoặc để chạy trốn khi có cạnh tranh với đồng loại). Động vật phải luôn được cung cấp đủ thức ăn, nước uống, nơi trú ẩn, được thực hiện hành vi và tập tính trong điều kiện tự nhiên và được giải thoát khỏi stress, căng thẳng.

Khi đến thăm các sở thú, các bạn có thể nhận ra những dấu hiệu căng thẳng hay bệnh tâm lý ở động vật, ví dụ như voi lúc lắc đầu và vẫy hai tai liên tục, gấu đi đi lại lại vòng quanh một chỗ.v.v..

Trong điều kiện nuôi nhốt, chuồng trại cần được làm giàu bằng nhiều cách. Ví dụ như thay vì cho ăn tập trung ở một điểm vào một giờ nhất định thì có thể chia khẩu phần ăn làm nhiều phần nhỏ, cho ăn vào các giờ khác nhau, giấu thức ăn vào nhiều chỗ khác nhau, sử dụng mùi hương để khuyến khích khứu giác của động vật…

Trên thế giới có rất nhiều sở thú tư nhân và các sở thú này thực sự có đóng góp cho công việc bảo tồn động vật hoang dã (Trong ảnh: một vườn thú tư nhân ở Nam Phi). Ảnh: CTV

Để thành lập một khu/vườn/công viên bảo tồn động vật hoang dã cần có những quy chuẩn gì?

Quy chuẩn để thành lập công viên, sở thú… ở từng quốc gia có những qui định khác nhau. Tuy nhiên, chưa có qui chuẩn cụ thể nào về việc thành lập công viên/vườn bảo tồn.

Như đã nói ở trên, việc công viên hay sở thú ấy có làm bảo tồn hay không cần phải được làm rõ ngay từ khi thành lập và khi đăng ký với cơ quan nhà nước. Tôi đặt dấu hỏi về hoạt động bảo tồn của Vinpearl Safari Phú Quốc, không chỉ về hoạt động bảo tồn mà về cả việc liệu Vinpearl Safari Phú Quốc có thực sự vận hành và quản lý sở thú/safari này một cách chuyên nghiệp hay không? Không một sở thú chuyên nghiệp nào lại để sổng 135 chú khỉ vì nhốt « nhầm » loại chuồng cho loài linh trưởng khác.

Thêm vào đó, thông tin từ Vinpearl Safari Phú Quốc, và của cơ quan chức năng địa phương cho hay đây là khỉ đuôi dài, hay một số nguồn báo khác cho biết đây là loài linh trưởng sinh sống trong khu vực. Tuy nhiên tôi xin đặt câu hỏi về thông tin này, vì những tờ báo này cũng cho biết loài linh trưởng sổng chuồng có trọng lượng là 200g. Loài linh trưởng nhỏ nhất ở Việt Nam là loài culi, hay còn gọi là cù lần nặng từ 265g – 1.605g. Trừ khi Vinpearl Safari Phú Quốc thu mua một loạt khỉ hoặc culi/cù lần mới sinh và nhốt tất cả chúng vào cùng một chuồng nuôi, thì thông tin về loài linh trưởng sinh sống tại Phú Quốc trốn khỏi chuồng là điều không chính xác.

Ngoài ra, đây cũng là câu hỏi lớn về phúc lợi động vật ở Vinpearl Safari Phú Quốc, khi mà một số lượng lớn động vật như vậy bị nhốt chung vào một chuồng hay cùng một khu vực nuôi nhốt thì không thể đảm bảo sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh có thể lây lan giữa các thành viên trong loài, giữa linh trưởng – con người và ngược lại.

Nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã đã và đang là một vấn đề nóng, ở mức báo động đe dọa các loài quý hiếm trong hệ sinh thái (Trong ảnh: Nguyễn Thị Thu Trang và nhóm kiểm lâm (áo đỏ) ở Nam Phi). Ảnh: CTV

Là người có kinh nghiệm về hoạt động bảo tồn, chị có thể cho biết việc trao đổi, mua bán động vật hoang dã quý hiếm thường phải đảm bảo những cam kết gì? Nếu xảy ra sự cố như con vật bị chết thì bên nhận nuôi/bên mua phải chịu trách nhiệm gì?

Hiện nay việc thu mua động vật hoang dã quý hiếm quốc tế chỉ được kiểm soát bởi CITES (Công ước quốc tế về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp).

Về việc mua bán động vật hoang dã trong nước được kiểm soát bởi quốc gia sở tại, trong trường hợp này là Việt Nam. Sở thú hay Safari không phải chịu trách nhiệm gì về việc thú chết, mà chỉ phải thông báo cho cơ quan chức năng về số lượng thú chết/thú mới sinh tại sở thú. Vì thế mà những động vật hoang dã bị chết ở Vinpearl Safari Phú Quốc vẫn là một dấu hỏi về việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng động vật hoang dã ở đây.

Khi tham gia các chương trình truyền thông bảo tồn, tôi thường khuyến cáo với mọi người, nếu các bạn thực sự yêu động vật hoang dã và muốn tham gia công tác bảo tồn, muốn nhìn thấy động vật hoang dã tại môi trường sống của chúng, hãy đến thăm các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn ở Việt Nam để tận mắt chứng kiến động vật hoang dã được sinh sống trong môi trường hoang dã và để đóng góp cho công việc bảo tồn ở Việt Nam.

Tôi vừa đến thăm và công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tôi đã được thấy culi/cù lần, vượn, voọc, chim phượng hoàng đất… ngoài tự nhiên. Tôi cũng đến thăm trung tâm cứu trợ Gấu Cát Tiên – do tổ chức bảo tồn gấu Free the Bear phối hợp với ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên đang chăm sóc, cứu hộ và xây dựng ngôi nhà mới cho Gấu.

Nếu thực sự yêu môi trường thiên nhiên hoang dã của Việt Nam, hãy đến thăm các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, hãy gây quĩ giúp đỡ những tổ chức cứu hộ động vật hoang dã và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam thay vì tiếp tay cho những hoạt động không rõ ràng, gây ra nhiều cái chết oan cho các loài động vật.

» Từ vụ thú chết ở Vinpearl Safari Phú Quốc: Làm bảo tồn hay kinh doanh “bảo tồn”?