Củ lùn: Món ăn bổ dưỡng dân dã quê nhà – YouMed

Trong cuộc sống hằng ngày của không ít người dân Việt Nam, củ lùn đã quá quen thuộc với mỗi người. Không chỉ là thực phẩm được ưa chuộng, ngon miệng mà loài thực vật này còn rất đa dạng về công dụng, bổ dưỡng cho sức khỏe của chúng ta. Ngay bây giờ, hãy khám phá rõ hơn về đặc điểm và cách sử dụng của củ lùn cùng với YouMed nhé.

Củ lùn là gì?

  • Tên gọi khác: Năng tàu, khoai lùn…
  • Tên khoa học: Calathea allouia hoặc Calathea allovia.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Marantaceae.
  • Bộ phận dùng: Phần củ của cây.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Đặc điểm sinh trưởng

Loài thực vật này được Aubl Lindl mô tả khoa học đầu tiên năm 1829. Cây được ghi nhận đã xuất hiện từ rất lâu trên trái đất, hơn 1000 năm trước tại Nam Mỹ và vùng Caribe. Ngày nay, có thể thấy loài phân bố khắp thế giới như châu Á, châu Mỹ, châu Phi…Tại Việt Nam, củ được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng,… Mỗi năm một vụ vào khoảng tháng 11-12 âm lịch.

Củ thuộc loài ưa sống ở khí hậu nhiệt đới, với mùa mưa và mùa khô xen kẽ. Chúng nảy mầm từ những cơn mưa đầu tiên, phát triển nhanh chóng. Loại thực vật này thích nghi với nhiều loại đất trồng, cát pha, đất phù sa,… Tuy nhiên phải thoát nước tốt, không quá nắng, ưa bóng râm. Khả năng sinh trưởng của củ rất mạnh mẽ, tận dụng len lỏi sâu vào các hốc đá, tầng đất nơi có nguồn nước mà đâm chồi nẩy mầm.

Đây là loài dễ trồng và chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư. Khoảng tháng 4 âm lịch là thời điểm trồng cây thích hợp nhất, bởi lúc này đất có độ ẩm tốt, cây sẽ nảy mầm và phát triển dễ dàng, nhanh chóng. Sau khi trồng, để tăng phẩm chất và năng suất có thể bón phân 2 lần, rồi chờ đến ngày thu hoạch là được.

Nhân giống bằng “củ cái”, chọn củ cái lớn, còn gốc, có nhiều tua rễ.

Củ lùn là loài thực vật quen thuộc của người dân miền Tây.
Củ lùn là loài thực vật quen thuộc của người dân miền Tây

Thu hoạch

Thu hoạch củ lùn khi các tán lá bắt đầu úa, trong vòng 9 tháng kể từ khi mầm đầu tiên mọc.

Khi thu hoạch, mỗi gốc nhổ lên có tới khoảng 20-30 củ bám vào nhau thành từng chùm, nặng vài ký. Sau đó, đem về phân loại, rửa sạch, đóng bao để đưa đi tiêu thụ.

Mô tả toàn cây củ lùn

Củ lùn thuộc thân khí sinh ngắn, mọc thành bụi, có thể cao đến 1m.

Lá sắc xanh, dài trung bình 30cm. Phiến lá có phần cuống, đứng thành bẹ bao phủ toàn thân, dài khoảng 40cm.

Củ hình tròn hoặc hình trứng với cuống dài kết với nhau thành từng chùm. Bên ngoài có vỏ màu vàng nhạt, mỏng và nhiều rễ phụ tua tủa. Còn bên trong phần ruột có màu trắng trong, lõi màu trắng đục hơn, chứa nhiều tinh bột.

Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị giòn, vừa bùi thơm, vừa dẻo, lẫn chút béo ngọt. Mùi thơm nhẹ, ăn không ngán bởi kết cấu phần thịt củ giòn giòn, sần sật, không quá bở hay nhiều bột như các loại khoai khác.

Bảo quản

Sau khi thu hoạch, thời gian bảo quản của củ lùn tùy thuộc ở dạng sống hay đã chín, nhiệt độ phòng hay tủ lạnh. Tốt nhất là nên để trong bọc kín ở nhiệt độ phòng, có thể trữ đến 3 tháng. Ngoài ra cũng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, mối mọt.

Củ lùn có vị ngọt, bùi, giòn, mùi đặc trưng.
Củ lùn có vị ngọt, bùi, giòn, mùi đặc trưng

Giá trị dinh dưỡng

Theo nhiều tài liệu, củ lùn có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

Thành phần chiếm nhiều nhất trong củ là tinh bột và nước. Cụ thể gồm các chất như carbohydrate, protein, axit amin…

Ngoài ra, thực phẩm này còn chứa nhiều vitamin C, A, B như thiamin, riboflavin và niacin. Hơn thế là các khoáng chất thiết yếu khác như kali, canxi, sắt và phốt pho…

Tác dụng của củ lùn

Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu

Củ lùn là thực vật giàu kali, canxi, vitamin,… Đây đều là các hoạt chất ổn định hệ tim mạch, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan. Bên cạnh đó, chúng cũng góp phần làm giảm các nguy cơ và rối loạn tim mạch như thiếu máu tim, nhồi máu tim, đột quỵ… cải thiện sức khỏe tim mạch, huyết áp.

Thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu

Nhờ việc chứa nhiều nước, nên đây là nguyên liệu cung cấp độ ẩm, chống mất nước cho cơ thể. Còn gì tuyệt vời hơn, giữa trưa hè nóng nực, được thưởng thức hương vị thơm ngon, mát từ củ lùn. Không chỉ giúp thanh nhiệt, giải khát mà thực phẩm còn có lợi cho người tiểu không thông lợi, mát gan.

Chống oxy hóa, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa

Trong củ lùn, hàm lượng các chất chống oxy hóa và khoáng chất như vitamin C, A, B, K, hợp chất canxi,… khá đa dạng. Đặc biệt là vitamin C, K góp phần quan trọng hình thành các collagen, mô liên kết và làm tăng độ đàn hồi của da, tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể với các yếu tố bất lợi bên ngoài, đồng thời chậm quá trình lão hóa. Như vậy, phụ nữ ăn thực phẩm này sẽ giúp giảm mụn nhọt, da dẻ mịn màng hơn.

Củ lùn trong Y học cổ truyền

Theo dân gian, củ lùn có vị ngọt, giòn, bùi đặc trưng. Với nhiều tác dụng đa dạng như thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, mát gan, giảm mụn nhọt… Người có các vấn đề kể trên có thể sử dụng thực phẩm như vị thuốc để cải thiện các triệu chứng như nóng trong người, tiểu không thông lợi, mụn nhọt…

Đây là thực phẩm hỗ trợ hệ tim mạch rất tốt.
Đây là thực phẩm hỗ trợ hệ tim mạch rất tốt

Lưu ý và cách sử dụng củ lùn

Tùy theo mục đích mà có thể dùng thực phẩm theo nhiều cách khác nhau như:

Củ chế thành bột pha nước uống, hấp luộc, salad, sấy khô…Tuy nhiên, để giữ được các giá trị dinh dưỡng tốt nhất thì nên dùng phương pháp luộc, hấp. Ngoài ra, phần lá có thể dùng để bọc thực phẩm khác tạo hương vị cho món ăn. Một số món ăn với nguyên liệu là củ lùn được ưa chuộng như súp, chè đậu xanh…

Sơ chế:

  • Cắt hết rễ phụ ở củ, đem rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn, ráo nước
  • Cho vào nồi, đổ nước sao cho ngập củ, thêm ít muối, nấu sôi khoảng 30 phút. Khi chín, vỏ bên ngoài sẽ tự tróc, nứt ra hoặc dùng đũa tách vỏ ra dễ dàng.
  • Để dễ lột phần vỏ, đem củ đã luộc vào thau nước lạnh, chờ nguội rồi vớt ra để ráo.

Nhờ có nhiều ưu điểm về giá trị dinh dưỡng, ngon miệng và công dụng cho sức khỏe, nên củ lùn được nhiều người dân ưa chuộng và yêu thích. Không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời từ thực phẩm đặc biệt này đối với cuộc sống con người ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến chuyên môn từ các y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn khi sử dụng.

Recommended For You