Cồn Chim Trà Vinh có gì hay? Hướng dẫn tham quan chi tiết (Mới nhất)

Để hòa mình trong không gian Nam bộ đậm chất nông thôn ngày xưa, hãy đến Cồn Chim ở Trà Vinh! Đây là điểm du lịch cộng đồng có chất lượng, được phát triển dựa vào chính cuộc sống thường nhật của người dân địa phương, theo nguyên lý “thuận thiên”. Chỉ cần một ngày ở đây thôi là du khách đã có đầy đủ những trải nghiệm đáng nhớ cho riêng mình, cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Sau đây là những chia sẻ và hướng dẫn tham quan Cồn Chim chi tiết.

Ve Con Chim nguoi que chi co tam long
“Về Cồn Chim, Người quê chỉ có tấm lòng”

Đến Trà Vinh phải tìm về Cồn Chim!

Cồn Chim là một cù lao nổi trên sông Cổ Chiên, về hành chính thuộc địa phận xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Có lẽ tên gọi được đặt dựa theo hình thù, vì nhìn từ trên cao, hoặc trên bản đồ thì cù lao này giống một chú chim đang say sưa lao xuống sông để săn con mồi.

Cồn Chim nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 15km theo hướng QL 53 xuôi về hạ nguồn. Từ đây, nếu đi tiếp khoảng 30km là có thể ra đến cửa biển (cửa Cung Hầu và Cổ Chiên).

Với diện tích 62 ha, chiều dài nhất khoảng 3km, bề ngang nơi rộng nhất cũng chỉ tầm 350m, Cồn Chim là nơi sinh sống của 54 hộ dân với 214 nhân khẩu (số liệu tính đến tháng 10/2020).

Cổng chào Cồn Chim ở ngay bến tàu

Cồn Chim có đặc trưng gì hay?

Bảng chỉ dẫn này liệt kê các trải nghiệm thú vị ở Cồn Chim

Do được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của dòng sông Cổ Chiên qua nhiều năm trầm tích, phần lớn diện tích của Cồn Chim là đất thấp nên người dân phải đào ao, be bờ để canh tác. Bên cạnh đó, vì nằm gần cửa biển nên cũng giống như tình trạng của nhiều vùng đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long khác đó là bị nhiễm mặn và mùa khô.

Ao tom o Con Chim
Mái nhà tranh, chiếc xuồng nhỏ

Theo người dân, trên cù lao có 06 tháng bị nước mặn xâm lấn ruộng đồng, đó là từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Giai đoạn này người dân không bỏ hoang ruộng khô cằn, nứt nẻ mà phải “thuận thiên” với sáng kiến nuôi con tôm, con cua là những sinh vật có thể sống trong nước lợ.

Thời gian 06 tháng còn lại từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, khi có nước ngọt trở lại thì người dân sẽ trồng lúa và khai thác tôm, cá, cua tự nhiên.

Mot goc Con Chim yen binh
Một góc Cồn Chim yên bình

Để có không gian tự nhiên trong sạch, nguồn thủy sản được tái tạo dồi dào, người dân luôn có ý thức tuân thủ các quy định nghiêm ngặt mà tổ chức Oxfam đã đưa ra (Oxfam là một tổ chức quốc tế với nhiều hoạt động nhằm nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng). Các Quy ước mà người dân phải thực hiện như: Không sử dụng chất hóa học trong canh tác (phân bón, thuốc trừ sâu), khai thác thủy sản trong mùa sinh sản, không dùng lưới mắt nhỏ, không dùng kích điện…

Đến Cồn Chim du khách được tham quan và trải nghiệm những gì?

xe dap tren duong lang con chim
Đạp xe trên đường làng ở Cồn Chim – Ảnh: Đoàn khảo sát Sở DL TP.HCM

Về Cồn Chim là về nhà!

Vừa cập bến tàu Cồn Chim, du khách sẽ được những người dân làm du lịch trên cù lao ra đứng cầm nón lá vẫy chào rất thân thiện. Cảm giác đầu tiên mà du khách sẽ nhận được đó là sự gần gũi, cảm thấy mình như những người thân lâu năm từ xa trở về. Điều này đúng như câu khẩu hiệu được viết nổi bật tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng của ấp “Về Cồn Chim – Người dân chỉ có tấm lòng”.

chao mung den con chim tra vinh
Người dân Cồn Chim tươi cười chào đón lữ khách phương xa

Cồn Chim là bức tranh làng quê Nam bộ thu nhỏ.

Qua cổng ấp, du khách sẽ được nhận chiếc xe đạp để thuận tiện cho việc đi tham quan. Đây là phương tiện phù hợp để đi trên con đường làng nhỏ xinh, với hai bên đường là luống mười giờ đang trổ hoa rực rỡ, cạnh là cánh đồng lúa đang thì mạ non xanh rì, thoảng hương thơm. Những nếp nhà làm bằng lá dừa nước đơn sơ, hàng lu khạp da bò, giàn rửa chén cạnh bờ ao, chiếc xuồng ba lá buộc tạm dưới gốc dừa…Tất cả là sự mộc mạc, chân phương, yên bình đến lạ của một miền quê Nam bộ hiếm hoi còn sót lại; tưởng chừng như mới gặp từ trang sách nào đó của “ông già Sơn Nam”.

Net moc mac chan phuong o Con Chim
Nét mộc mạc chân phương ở Cồn Chim

Ở Cồn Chim còn lưu giữ nhiều món ăn dân gian Nam bộ đặc sắc

Đến Bếp xưa Cô Vân, du khách được thưởng thức chén sương sâm vò bằng tay, nhón miếng mứt dừa, uống ngụm trà hoa đậu biếc thơm lừng. Hay tại nhà Vảy rồng, thưởng thức món bánh dừa lá mơ của Cô ba sữa, với nguyên liệu bột được xay tay bằng cối đá, rồi giải khát bằng nước mát lá dứa đường phèn. Tại vườn dừa Bé Thảo, du khách được chủ nhân tự tay chặt và mời uống dừa trái bằng ống hút cỏ, vừa tươi, vừa mát, vừa ngọt ngào tinh túy như tình cảm của bà con cù lao.

Các món ăn dân giã ở Cồn Chim

Đến Cồn Chim là để trở về một trời tuổi thơ thương nhớ

Ngoài tham quan phong cảnh yên bình, khi đến Cồn Chim du khách còn có cơ hội tham gia nhiều trò chơi dân gian. Những hoạt động này tưởng chừng rất quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ tuổi thơ 9X trở về trước. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại thời nay thì các trò chơi này dường như dần mai một. Du khách sẽ thích thú khi mình là diễn viên chính của nhiều hoạt động hấp dẫn, như: chơi u, chơi ô ăn quan, nhảy dây, chọi lon… Ngoài trò chơi dân gian, du khách còn có các trải nghiệm làm nông dân cù lao với hoạt động câu cua, đua cua có thưởng.

Dau truong dua cua o Con Chim
“Đấu trường” đua cua ở Cồn Chim

Đặc sản trên Cồn Chim là các món ngon đậm chất đồng quê

Đã đời với các trải nghiệm và say mê với khung cảnh thanh bình, ban sơ. Đói, du khách dễ dàng tìm được nơi thưởng thức các đặc sản thơm ngon trên cù lao. Tuy không nhiều về số lượng món, nhưng món nào cũng đậm đà, rất chất cù lao vì nguyên liệu chế biến được tận dụng ngay những thức có tại vườn nhà gia chủ. Có thể kể ra những món như: gỏi hương thủy liễu (gỏi tôm bông bần), canh chua trái bần nấu cá bông lau, tôm hấp trái dừa, cua hấp, gỏi cá sặc xoài băm…

Ve Con Chim an dac san huong dong gio noi
Về Côn Chim ăn đặc sản hương đồng gió nội

Lưu trú trên Cồn Chim nay đã có Homestay

Đến tháng 10/2020, trên Cồn Chim có 02 hộ dân xây dựng homestay để phục vụ nhu cầu du khách muốn lưu trú qua đêm. Đó là hộ nhà Cô Vân – Bếp xưa Nam Bộ và nhà Chú Tư Pha nơi có hoạt động trải nghiệm câu cua. Giá lưu trú tham khảo ở đây khoảng từ 200.000đ/khách (nếu đi một mình) và 300.000đ cho nhóm 02 khách, có bao gồm 01 bữa tối và 01 bữa sáng.

Homestay nhà Cô Vân
Homestay nhà Cô Vân

Hướng dẫn đường đi đến Cồn Chim

Để đi được Cồn Chim từ Tp. Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ, trước hết du khách phải đến thành phố Trà Vinh. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi Trà Vinh: có 02 cung đường để đi.

  • Cung đường 1: Theo Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương (Hoặc QL1A), đến thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thì rẽ vào QL 60, xuyên qua đất Bến Tre. Từ đây du khách sẽ đi qua 03 cây cầu dây văng lớn bắc qua các nhánh của sông Tiền, đó là Cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên. Hành trình này có cự ly khoảng 130km.
  • Cung đường thứ 2 thì xa hơn, trước kia còn phà hàm Luông và Cổ Chiên thì thường theo đường này. Theo QL1A, qua cầu Mỹ Thuận, du khách đến thành phố Vĩnh Long thì tiếp tục theo QL53 để đến Trà Vinh. Hành trình này có chiều dài đến 200km.
Pha qua Con Chim
Phà qua Cồn Chim
  • Từ Cần Thơ đi Trà Vinh du khách cũng có 02 lựa chọn đường đi.
  • Hoặc là theo QL1A hướng về thành phố Vĩnh Long, rồi tiếp tục đi đường QL53. Lộ trình này có chiều dài 105km.
  • Một lựa chọn ngắn hơn đó là vừa qua cầu Cần Thơ, du khách theo QL54 đến khu vực Tiểu Cần (Trà Vinh) thì quẹo vào QL60 là đến. Lộ trình này có cự ly 80km.
  • Từ thành phố Trà Vinh đi Cồn Chim.

Từ trung tâm thành phố Trà Vinh, du khách theo hướng QL53 đi biển Ba Động. Đi khoảng 10km đến ngã 3 Chợ Hòa Lợi, rẽ phải vào đường HL14 đi khoảng 05 km sẽ đến Bến phà Bà Trầm. Từ đây, du khách có 02 cách để đến Cồn Chim: hoặc là đi phà qua Cù lao Hòa Minh, rồi thêm một lần đò ngang nữa mới tới. Nếu đi theo nhóm với số lượng đông, du khách có thể thuê riêng một chiếc phà đậu sẵn ngay bến để đi thẳng qua Cồn Chim với thời gian đi về theo yêu cầu.

Hướng dẫn phương tiện đi Cồn Chim tự túc

Vuon dua Be Thao
Vườn dừa Bé Thảo

Để đến Trà Vinh và Cồn Chim, đường bộ là loại hình giao thông duy nhất và xe khách là lựa chọn tối ưu. Có nhiều hãng xe khách giường nằm chất lượng cao xuất phát từ Bến xe miền Tây với lịch khởi hành khá dày.

  • Cách 1 đi từ Tp. Hồ Chí Minh đến trung tâm thành phố Trà Vinh (để kết hợp tham quan các điểm lân cận). Thời gian xe chạy khoảng 03 tiếng 30 phút, giá vé từ 110.000đ – 120.000đ tùy nhà xe.
  • Từ thành phố Trà Vinh đi Cồn Chim thì có thể lựa chọn loại hình xe taxi, xe ôm, hoặc xe buýt chạy tuyến đi thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) xuất phát từ BV Trà Vinh. Xuống xe tại ngã 3 Chợ Hòa Lợi rồi đón xe ôm qua phà Bà Trầm.
  • Nếu du khách không muốn ghé qua thành phố Trà Vinh mà thẳng đến Cồn Chim thì có thể đặt các chuyến xe từ BX Miền Tây – Cầu Ngang. Giá vé xe khoảng 130.000đ, xuống xe tại ngã 3 Chợ Hòa Lợi và đi theo hướng dẫn như trên.
  • Các nhà xe uy tín từ Tp. Hồ Chí Minh đi Trà Vinh/Cầu Ngang: Phương Trang, Tân Thanh Thủy, Kim Hoàng…

Gợi ý lịch trình tham quan Cồn Chim

Đến Cồn Chim phải ghé Bếp

Đến Trà Vinh, du khách có thể tham quan – trải nghiệm tại Cồn Chim trong 01 ngày, hoặc từ 02 ngày để kết hợp các điểm khác.

Tham quan Cồn Chim 01 ngày

Buổi sáng, sau khi check – in tại cổng Cồn Chim, du khách đi xe đạp quanh làng. Đến nhà Cô Vân – Bếp xưa Nam Bộ để học làm sương sâm vò bằng tay, thưởng thức mứt dừa và trà hoa đậu biếc. Tham quan vườn dừa và thưởng thức nước dừa tươi mới hái trên cây. Đến Nhà vảy rồng để xem làm bánh lá dừa bằng bột gạo xay bằng cối đá với lá mơ. Kế đó là tham gia các trò chơi dân gian, trải nghiệm câu cua, đua cua. Chụp hình lưu niệm tại Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng với bức tường nổi tiếng “Về Cồn Chim, người quê chỉ có tấm lòng”.

Bữa trưa với các món ăn đặc sản đồng quê đậm chất cù lao.

Cổng vào nhà Cô Ba Sữa

Tham quan Cồn Chim kết hợp với các điểm đến hấp dẫn khác ở Trà Vinh trong 02 ngày

Ngày đầu tiên, du khách sẽ tham quan các không gian văn hóa Khmer, như: Ao Bà Om, Chùa Âng, Bảo tàng văn hóa Khmer, xem múa truyền thống…Bên cạnh đó là các làng nghề, đặc sản trứ danh: mật hoa dừa, cốm dẹp, bánh bầu, chè thốt nốt, làng đan lát…Thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer và người dân Trà Vinh tại các nhà hàng trong thành phố.

Buổi tối, du khách có thể lưu trú tại các khách sạn khu trung tâm hoặc trên homestay Cồn Chim.

Ngày thứ 2 là thời gian dành cho những trải nghiệm lý thú trên Cồn Chim như chương trình ở trên.

Tham khảo: Tour du lịch Cồn Chim – Trà Vinh 2 ngày.

Đến Cồn Chim được uống nước dừa tươi

Với sự độc đáo của mô hình du lịch cộng đồng dựa vào cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, cùng phương thức canh tác “thuận thiên” độc đáo. Cồn Chim chắc chắn là điểm đến rất lý tưởng cho những chuyến đi tìm về cuộc sống chậm, không gian yên bình và mộc mạc đậm chất Nam bộ.

Recommended For You