Ngôi chùa của gió lộng

Cổng tam quan chùa được sơn tông màu lam, phối cùng các câu đối và mái ngói màu nâu nhạt tạo nên vẻ trang nhã nhưng cũng không kém phần tôn nghiêm. Bảng chính của chùa viết bằng chữ Việt theo cách gọi dân dã là “Chùa Lăng Ca”. Hai bên là cặp câu đối viết bằng chữ Hán với nội dung “Xuất sinh tử hải, nhập niết bàn thành/Khai phương tiện môn, bế chư ố thú” (tạm dịch là “Ra biển sinh tử, vào thành niết bàn/Mở cửa phương tiện, đóng các thú vui xấu”).

Chúng tôi đến chùa đúng vào lúc thượng tọa Thích Minh Thành – Trụ trì chùa Lăng Ca, Chánh Văn phòng Trường Trung cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện các nghi lễ Phật giáo tại chánh điện. Sau phật sự, thượng tọa vui vẻ kể cho chúng tôi về lịch sử hình thành cũng như cách trang trí độc đáo của chùa.

Chánh điện chùa Lăng Ca.

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, chùa Lăng Ca được xây dựng lần đầu trên mảnh đất do phật tử Phạm Môn Ngũ Két (thường được gọi là bà Năm Két) cúng dường. Sư Thích Thiện Đức tu học tại chùa Lăng Ca ở Phnôm Pênh (Campuchia) về trụ trì chùa nên đặt pháp danh cho chùa theo tên của ngôi chùa trước đó ngài tu học. Lăng Ca (hay có âm đọc khác là Lăng Già) là tên một bộ kinh quan trọng của Phật giáo, có tên đầy đủ là Nhập Lăng Già kinh.

Trải qua hơn trăm năm với 6 đời trụ trì, chùa Lăng Ca nhiều lần được trùng tu, mà lần cuối được xây mới hoàn toàn vào thời vị trụ trì tiền nhiệm là Ni trưởng Thích nữ Trí Nguyên và vị trụ trì đương nhiệm – thượng tọa Thích Minh Thành. Công trình xây dựng lại ngôi phật đường có lúc gián đoạn do bệnh tình của trụ trì tiền nhiệm và thiếu kinh phí. Ròng rã 12 năm, cho đến năm 2014, chùa Lăng Ca mới chính thức tổ chức đại lễ Lạc thành, Bổ nhiệm tân trụ trì và chung thất Ni trưởng Thích nữ Trí Nguyên.

Diện tích khá nhỏ nên từng khoảng sân, tấc đất đều được các vị tăng ni tại đây bày trí thật công phu, tao nhã. Nhìn về tổng quan, kiến trúc chánh điện chùa Lăng Ca là một kiến trúc mở đến tuyệt đối và mang hơi hướm đình làng Bắc bộ với các đầu đao cong vút. Tầng dưới chùa được để trống hoàn toàn, không vách, không cửa mà chỉ được ngăn cách bởi các hàng cột và lan can thấp. Cả nền tầng dưới và tầng trên chánh điện đều được lát gạch tàu, tạo cảm giác cổ kính nhưng gần gũi, thân thiện. Tầng dưới này được bày trí nhiều bàn, ghế, vừa làm nơi tiếp khách, vừa để khách bộ hành đến nghỉ ngơi. Tầng trên của chùa được bày trí rất đơn giản với gian chính thờ Phật Thích Ca, hai bên là Bồ tát Địa Tạng Vương và Bồ tát Quán Thế Âm, gian sau thờ Tổ Đạt Ma.

Khuôn viên chùa bố trí một đài Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá trắng. Nền đài lát gạch tàu, lan can sơn màu nâu sậm, cạnh bên được trồng các bụi trúc và các giống cây khác thật hài hòa, trang nhã. Khắp khuôn viên chùa còn có hàng trăm giò lan quý được bày trí thật tự nhiên ôm vào các gốc cây hoặc trên đất thay vì phải trồng trong chậu. Trụ trì chùa cho biết các giò lan này là do công tác ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều sư thầy được cúng dường hoa lan, ai không có ý định trồng ngài đều xin về để trồng tại chùa.

Điều làm tôi yêu thích nhất ở chùa Lăng Ca ngoài lối bày trí còn là tiếng chuông gió nơi đây. Tiếng chuông thật đặc biệt, ngân nga và du dương đến lạ thường. Âm thanh ấy dễ khiến người ta lắng lòng lại, trở nên như sống chậm hơn, hành động nhẹ nhàng hơn vì lo sợ sẽ phá hỏng âm thanh tuyệt diệu của trời đất.

Tôi muốn gọi chùa Lăng Ca là Ngôi chùa của gió lộng, gió lộng bởi không gian mở đến tuyệt đối như để “phong nguyệt vô biên” (trăng gió không biên giới), gió lộng bởi thanh âm du dương hiếm nơi nào có của bộ chuông gió quý. Sau một ngày với bộn bề công việc của chốn phố thị ồn ào, Lăng Ca cổ tự sẽ luôn là nơi chào đón du khách để lòng mình lắng lại, để cảm nhận mùi vị chốn thiền môn.

Anh Thụy