Các món ăn ngon ở Lạng Sơn

Các món ăn ngon ở Lạng Sơn

Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, một tỉnh miền núi với những ngọn núi hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản hay những đồ ăn vặt tiêu biểu cho nền ẩm thực phong phú nơi đây. Lạng Sơn có nhiều đặc sản hấp dẫn, từ món mặn đến món ngọt, món chính đến món ăn vặt mà du khách đến đây nhất định nên dành thời gian thưởng thức. Nếu bạn sắp có dịp đến với Lạng Sơn muốn tham khảo xem địa điểm ăn uống nào ngon và hấp dẫn.

Vịt quay

Là giống vịt Bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ tẩm thêm hương liệu: hành, hạt tiêu, móc mật, nhồi vào bên trong vịt rồi khâu lại. Phần ngoài tẩm mật ong và để khoảng 10 phút. Tiếp theo quay vịt trên than hoa 15 phút. Sau khi quay xong nhúng vào chảo mỡ đảo đi đảo lại rồi cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm. Thịt vịt phải thấm màu mật ong, miếng thịt ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt.

Phở chua Lạng Sơn

Đặc sản xứ lạng này được chế biến rất cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua phải ăn nhấn nhá mới thưởng thức trọn vẹn hương vị đặc biệt của món ăn này. Hiện nay, món phở chua được bán ở nhiều tỉnh vùng núi phía bắc nhưng chỉ có sản phẩm của Lạng Sơn là nổi tiếng hơn cả. Hãy tới những địa chỉ dưới đây để thưởng thức món ăn này nhé

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Cùng được tráng từ bột gạo tẻ trên nồi hấp như nhiều loại bánh cuốn khác của người Việt, nhưng bánh cuốn trứng Lạng Sơn khi làm khó hơn người ta tưởng rất nhiều.

Bột bánh được làm từ gạo tẻ ngon xay nhuyễn với nước theo một tỉ lệ vừa phải để bột không bị khô quá hay loãng quá, nếu không bánh cuốn chẳng thể mềm mại và ngon lành được. Bánh được tráng trên nồi hấp có căng một lớp vải mỏng để bánh chín hoàn toàn bằng hơi nước nóng bốc lên. Tuy nhiên khác một điểm là người ta dùng trứng để làm nhân bánh.

Một điểm khác biệt nữa là bánh cuốn xứ Lạng ăn theo cách của người xứ Lạng đúng điệu là phải ăn với nước chấm pha bằng giấm được làm từ một loại chuối chín cây ở Lạng Sơn, loại giấm đặc trưng chỉ xứ Lạng mới có.

Ngoài bánh cuốn trứng, người Lạng Sơn cũng tráng bánh cuốn cuộn giống một số nơi khác. Loại bánh này dành cho những ai không muốn ăn bánh cuốn trứng, hoặc để ăn thêm sau khi đã quá tải dinh dưỡng với hai, ba chiếc bánh cuốn trứng liền trước đó.

Khâu nhục (Khau nhục)

Người ta có câu “ Tới xứ Lạng mà chưa ăn Khâu Nhục xin đừng về”. Nếu bạn đang tìm cách làm món khâu nhục thì chắc hẳn bạn đã được nghe qua về món ăn này. “Khâu nhục là món ăn của người Hoa nhưng người dân tộc Tày tự chế biến theo hương vị của vùng miền nên từ đó khâu nhục trở thành 1 trong những món ăn nổi tiếng bậc nhất của đặc sản Lạng Sơn bao đời nay. Nghe từ cái tên cũng có thể nôm na cảm nhận được, “khâu” nghĩa là mềm rục, còn “nhục” ấy là thịt. Chỉ có các dịp lễ tết, cưới hỏi hoặc khách ở phương xa đến thì người ta mới tiếp đón món ăn cầu kì này.”

Bánh Cao Sằng

Bánh cao sằng ở thành phố Lạng Sơn từng nổi tiếng một thời, được người Hoa ưa chuộng. Nó có mặt nhiều nhất ở thành phố và các huyện lân cận nơi có nhiều người dân tộc Nùng sinh sống. Nghe các cụ kể lại, ngày đó trên Lạng Sơn còn bóng giặc từ Trung Quốc tràn sang, chúng muốn đồng hóa dân ta về mọi mặt, mang những món ăn từ bên kia sang và bắt dân ta làm theo. Rồi dần dần các món ăn như khẩu si, bánh màn thầu…có mặt trên đất xứ Lạng và được người dân chế biến cho phù hợp với khẩu vị.Còn có câu truyền nhau là nếu ghét nhau thì cứ nấu cho nhau ăn cao sằng, nếu cực ghét nhau thì hãy mời nhau. Cũng có lẽ như vậy nên giờ món ăn này còn có rất ít người làm. Nhưng cho dù thế nào thì cao sằng cũng là một món ăn thú vị và hấp dẫn, mang đầy đủ tinh hoa của sự kết hợp giữa ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Việt Nam.

Bánh Áp chao

Xứ Lạng có món vịt áp chao khá nổi tiếng khiến cho du khách tìm để thưởng thức bằng được, nhưng cũng có ít ai để ý, trên đây còn có món bánh áp chao cũng tuyệt vời không kém. Món bánh với cái tên nghe thấy thôi cũng đủ thôi thúc những vị khách phương xa phải lùng sục đi tìm để ăn cho bằng được.

Bánh áp chao là loại bánh được chế biến từ gạo nếp và gạo tẻ, gạo nếp chiếm tỷ lệ 3/4. Gạo đem xay bột nước, lọc bột cho khô vừa ở độ rền rệt, thái thêm lá hành cho vào, cho thêm chút xì dầu vào bột đảo cho thật đều. Một món ăn với các nguyên liệu hết sức bình thường nhưng điểm nhấn của chiếc bánh này là phần nhân bên trong. Nhân của bánh phải được làm từ vịt chao thơm ngon của chính vùng đất này.

Trong thời tiết xe lạnh của xứ lạng, có thể nhâm nhi một chút rượu Mẫu Sơn với món bánh này thì quả thật không muốn về. Các phần còn lại của con vịt như cổ cánh, chân, lòng mề vịt được tẩm ướp gia vị chao lên, có hương vị rất thơm ngon, hấp dẫn khó có thể cưỡng lại. Nếu có dịp về với vùng núi cao này, đừng ngần ngại hãy thử hương vị ẩm thực nơi đây, với bao nhiêu món ăn mang hồn núi quê ta.

Lợn quay Lạng Sơn

Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng. Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con. Tạo màu cho lợn quay là một trong những bước quan trọng nhất tạo nên độ bắt mặt cho món lợn quay Lạng Sơn. Để da của lợn quay nổi rộp thì người thợ cần dùng một cây kim dài, vừa quay vừa châm vào da, đồng thời phết mật ong và quay đều tay cho đến khi con lợn xuất hiện màu nâu cánh gián. Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Mỗi một con lợn ngon được ra lò phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cũng như bí quyết quay của từng gia đình.

Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, dù phương thức quay có tiên tiến hơn nhưng hương vị và màu sắc của thịt lợn quay Lạng Sơn vẫn giữ được nét đặc trưng với những nguyên liệu vô cùng đơn giản.

Bánh chưng đen Bắc Sơn

Bánh chưng đen (hay còn gọi là bánh chưng cẩm) được gói theo hình trụ dài giống bánh tét miền Nam hay bánh gù của người Giáy. Tuy nhiên, món bánh đặc trưng của người Tày ở huyện Bắc Sơn có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy và khiến không ít người phải tò mò.

Ngay từ tháng 10 Âm lịch, người Tày đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, họ vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.

Chỉ một miếng bánh nhưng mang đủ hương vị đặc biệt của nếp, thịt lợn, vị ngọt của nhân đỗ xanh, vị lạ của cây rừng… Đó thực sự là dư vị không thể nào quên. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường. Chính vì vậy, người dân còn gọi đây là món ăn “hạ hỏa”.

Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện trong ngày lễ, Tết, giỗ chạp… Tuy nhiên, hiện nay, nó đã trở thành thứ đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Bắc Sơn đều có thể mua về làm quà tặng. Bánh chưng đen có thể để được rất lâu, đến hết tháng Giêng mà vẫn thơm ngon.

Xôi cẩm

Xôi lá cẩm xứ Lạng có màu tím nhờ nước luộc thứ lá gọi là lá cẩm, rộ nhất vào tháng tư tháng năm. Lá cẩm sau khi luộc sẽ được lấy nước đem ngâm với nếp qua một đêm.

Hạt nếp trắng tinh sau khi ngâm sẽ chuyển sang màu tím mà nhiều người thường đùa nhau đó là vì đã bị “thuốc tím” bám vào. Màu của xôi cẩm cũng chính là màu của hạt nếp sau khi được ngâm.

Mùi hương bốc lên khi đồ xôi cẩm cũng rất đặc biệt so với mùi thơm của những loại xôi khác, có lẽ là vì hương lá cẩm thấm vào xôi.

Cơm lam Bắc Sơn

Nhắc đến cơm lam người ta thường hay nhớ đến những vùng đất nổi tiếng như Hoà Bình , Sơn La, Cao Bằng… nhưng nếu đã một lần đến Bắc Sơn, Lạng Sơn được thưởng thức món cơm lam của bà con dân tộc Tày ở đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên được cái hương vị đậm đà riêng của nó.

Khác với ở vùng đồng bằng thường nấu cơm bằng nồi niêu, món cơm ở vùng cao có thể được nấu trong những ống nứa và được gọi bằng cái tên “cơm lam”. Đơn giản thì đây là cách gọi thân thuộc của người dân miền núi với cách nấu cơm bằng ống nứa. “Lam” có thể hiểu là dùng ống nứa để nấu thức ăn như cơm, cá suối, thịt … Cách nấu dân dã này mang lại vị ngon hấp dẫn hơn hẳn so với nấu cơm trong nồi. Đó cũng là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực tại nhiều vùng cao của đất nước ta

Bánh ngải

Nằm trong danh sách những đặc sản nhất định phải nếm thử khi tìm về xứ Lạng là món bánh ngải, thức quà dân dã của người Tày chứa đựng cả tấm lòng yêu mến khách đường xa. Từ lâu, ngải cứu đã nổi tiếng là vị thuốc quý giá, chữa được nhiều loại bệnh khác nhau, thế nhưng lại chẳng hề dễ ăn chút nào. Ấy vậy mà người dân tộc Tày trên mảnh đất Lạng Sơn vẫn có thể sử dụng nó để làm ra món bánh vô cùng độc đáo, vừa bắt mắt, vừa thơm ngon, dâng lên tổ tiên vào dịp Tết thanh minh, hay mừng mùa lúa chín để bày tỏ lòng thành kính. “Tiếng lành đồn xa”, dần dần nó trở thành đặc sản trứ danh “nuông chiều” khẩu vị của cả những thực khách khó tính nhất, cắn một miếng dẻo thơm bỗng thấy vấn vương tơ lòng, bảo sao dân “sành ăn” cứ một mực nói rằng lên xứ Lạng mà không thử bánh ngải thì phí cả nửa chuyến đi.

Măng ớt Lạng Sơn

Măng ớt là cách gọi ngắn gọn của món măng ngâm tỏi ớt, đó là một trong những món ăn kèm với phở, mỳ ngon nổi tiếng. Với những nguyên liệu có sẵn dân ta đã chế tạo ra món ngon đầy dân dã. Măng ngâm tỏi ớt rất phổ biến, hầu như các vùng đều có món này nên mỗi nơi có một hương vị riêng nhưng nổi bật nhất vẫn là măng ớt Lạng Sơn. Với hương vị đều thơm ngon nên người ta phong cho măng ớt là đặc sản của vùng đất này.

Người Lạng Sơn xem món măng ớt và mắc mật ngâm là món ăn quen thuộc có thể ăn cùng cơm, phở hoặc bất cứ món ăn gì hàng ngày. Thường thì khoảng tháng 6, tháng 7 mắc mật vào vụ chín, lúc ấy măng trên rừng cũng vào độ ngon nhất sau những cơn mưa đầu hè. Người ta sẽ chọn loại măng mai hoặc măng vầu no tròn, thái miếng. Mắc mật chín vừa độ và ớt loại quả nhỏ. Tất cả cùng ngâm với giấm, tạo ra một loại hương vị đặc biệt chỉ có ở vùng địa đầu tổ quốc này.

Cải ngồng Lạng Sơn

Ngồng cải là một thứ thân non của cây, có hoa màu vàng, mọc cao vổng lên, nếu ăn thường rất đắng. Cải ngồng Lạng Sơn thực ra cũng chỉ là thứ cải ngọt bình thường nhưng không biết do mầu mỡ của đất đai hay bởi sự chăm sóc khéo léo của người Lạng Sơn mà ngồng cải cứ mơn mởn xanh, lại ngọt và thơm đến thế.

Rau cải ngồng là loại rau đặc biệt phù hợp với khí hậu của Lạng Sơn. Rau cải ngồng có thân non mập, hoa màu vàng, ăn có vị ngọt. Rau cải ngồng được chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào tỏi, xào thịt bò, ăn lẩu…Hiện nay, giống ngồng cải đã được trồng ở nhiều nơi nhưng không đâu có cọng to, lá xanh và mỡ màng như ngồng cải xứ Lạng. Không chỉ nổi tiếng là rau sạch, ngồng cải còn chứa nhiều vitamin B1, B2…có lợi cho sức khỏe, là thực phẩm giúp đẹp da.

Cải làn Lạng Sơn

C%E1%BA%A3i l%C3%A0n L%E1%BA%A1ng S%C6%A1n - Các món ăn ngon ở Lạng Sơn

Cải làn Lạng Sơn (Ảnh sưu tầm)

Cải làn Lạng Sơn nổi tiếng là món rau ngon, xanh mát, có hương vị rất đặc trưng của vùng đất này. Cải luộc, nấu canh xương, xào đều có hương vị đặc biệt. Ai đã một lần được ăn ngồng cải làn thì không thể nào quên hương vị ngọt ngào của thứ rau này. Cải làn Lạng Sơn xào lên giòn, xào lẫn cả thân, lá và ngồng hoa. Cải có vị ngọt chứ không đắng nhẹ như cải mèo Mộc Châu. Mùa thu hoạch ngồng cải làn từ tháng 4 tới tháng 8. Qua tháng 9, tháng 10, rau này rất hiếm và đắt gấp 4-5 lần chính vụ.

Nem nướng Hữu Lũng

Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng cũng như món bánh cuốn, món nem ở từng địa phương lại chứa trong đó một thứ “đặc sản” đặc trưng riêng. Nó toát ra từ hình dáng, nguyên liệu và hương vị của món ăn.Nem nướng Lạng Sơn to bằng cổ tay người lớn, dài ước chừng một gang tay, được bọc bởi 3 lớp lá chuối xanh bên ngoài buộc lạt tre. Bên trong nem gồm thịt lợn (phần nạc vai, ba chỉ lách không quá mỡ), bì lợn thái mỏng. Thịt phải mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng. Bì lợn cũng luộc sơ, thái thật mỏng.Thông thường một chiếc nem gói khoảng 0,3 kg thịt lợn, thịt mua về được rửa sạch, thái con chì, bì lợn luộc chín, cạo sạch lông thái nhỏ, trộn cả phần thịt và bì với bột thính (loại bột chuyên làm nem thính), nêm thêm gia vị, gói lại bằng lá chuối tươi và buộc lạt, không nên buộc lạt quá chặt sẽ làm cho nem cứng khi nướng nem sẽ không chín đều.

Rau ngót rừng

Rau ngót rừng (Ảnh sưu tầm)

Cây rau ngót rừng (hay còn gọi là cây mì chính, cây rau sắng…), thuộc loại cây thân mộc, ưa ánh sáng, mọc tự nhiên trên những vách đá của vùng núi cao trên 100m so với mặt nước biển. Bởi vậy, ngót rừng thường mọc nhiều ở các vùng núi đá trên Lạng Sơn. Rau ngót rừng khi được hái về thường bó thành từng mớ nhỏ ngắn chỉ gang tay, phải rất nhẹ tay để lá non khỏi nát, rửa cũng nhẹ tay. Khi ăn lá rau mềm ngọt, cọng rau bùi và ngồng hoa thì có li ti những hoa nhỏ. Loài rau này mỗi năm chỉ có một mùa ngắn.

Ếch hương

Du khách đến Lạng Sơn sẽ được nghe những câu chuyện về đặc sản “tiến vua”, loài ếch hương quý sống trên vùng rừng núi Mẫu Sơn. Ếch hương ở đây được nhiều du khách gọi là ếch đại gia, ếch vương, ếch công nương. Còn người Dao đỏ địa phương vẫn thường gọi là “Tồng Keng”, theo tiếng dân tộc có nghĩa là ếch lớn.

Trên bàn nhậu ở Mẫu Sơn, nếu đem đĩa ếch hương chiên giòn lên, những sản vật khác như cá hồi, gà sáu cựa hay thịt hun khói đều được dời qua một bên để đĩa ếch chiếm vị trí trang trọng nhất. Bởi ếch hương rừng là “vua” của ẩm thực Mẫu Sơn.

Cá Hồi Mẫu Sơn

Nhiều chuyên gia hải sản đã đánh giá rằng Mẫu Sơn có điều kiện khí hậu, nguồn nước vô cùng phù hợp cho việc nuôi cá hồi, cá tầm… Hơn nữa, chất lượng cá hồi được nuôi tại Mẫu Sơn tốt, cho hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt cá thơm ngon màu sắc đẹp không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào đang được nhập khẩu và đang tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau nhiều lần học hỏi, cải tiến kỹ thuật, người dân ở Mẫu Sơn đã nuôi cá hồi thành công. Việc thử nghiệm nuôi cá hồi thành công không chỉ giúp mang thứ ẩm thực thượng hạng có nguồn gốc từ Châu Âu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch, mà còn giúp tạo cho Mẫu Sơn một điểm tham quan mới.

Bánh coóng phù

Có cái tên khá lạ tai nhưng coóng phù khá giống với món bánh trôi nước của người miền xuôi. Loại bánh này có nguồn gốc từ cộng đồng người Tày tại Lạng Sơn. Cách làm coóng phù cũng tương tự như bánh trôi. Người ta dùng gạo nếp xay thành bột nước, nhào cho dẻo. Đặc biệt, bột càng lọc kỹ, bánh càng dẻo dai, không vỡ nát lúc sôi lửa.

B%C3%A1nh co%C3%B3ng ph%C3%B9 3 - Các món ăn ngon ở Lạng Sơn

Bánh coóng phù (Ảnh sưu tầm)

Ngoài khu vực chợ đêm Kỳ Lừa, lang thang khắp chốn trong thành phố Lạng Sơn, người ta lại thấy thấp thoáng biển bán coóng phù nằm rải rác. Sẽ thật đáng tiếc và thiếu sót nếu có dịp về với xứ Lạng mà lỡ mất thứ quà chỉ xuất hiện trong ngày đông.

Đặc sản Lạng Sơn mua về làm quà

Rượu Mẫu Sơn

Rượu mẫu sơn nổi tiếng thơm ngon, trong vắt như nước suối, uống rất dịu, vị đậm đà, lại không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng, mà hễ ai đã từng một lần uống thì mãi không thể quên được. Chính tay những người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình-Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800-1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền tứ đời này qua đời khác.

Mật ong rừng

Mật ong rừng nguyên chất được lấy từ đỉnh núi Mẫu Sơn mang hương vị đặc biệt của các loài hoa rừng có rất nhiều công dụng trong y học, chăm sóc sức khỏe; được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên giữ nguyên hương thơm, vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. có màu nâu trong, ngọt mát – vị ngọt rất riêng của núi, của rừng Mẫu Sơn.

Ngải cứu Mẫu Sơn

Một thứ thuốc tiên của vùng núi cao, không chịu mọc ở dưới độ cao 600m so với mặt biển. Thứ rau thuốc sạch tự nhiên này mang đầy hương vị độc đáo này có thể giúp bạn giải cảm, giúp tiêu hoá tốt, chống đau đầu. Sử dụng các phương pháp chế biến truyền thống, bạn có thể tạo ra nhiều thứ thức ăn – vị thuốc khác nhau. Mọc ở bất kỳ chỗ nào có đất và chen lẫn cùng với các loài cây dại khác, điều đặc biệt là ngải cứu Mẫu Sơn có vị ngọt rõ ràng để lại trên đầu lưỡi sau khi ăn. Bạn có thể dùng lá ngải để làm đa dạng thêm bữa ăn của mình như mì nấu ngải cho bữa sáng, canh ngải hoặc một món đơn giản khác là trứng ngải cứu. Bạn cũng có thể nhờ nhân viên khách sạn hướng dẫn cách làm bánh ngải của đồng bào người Tày, Dao hoặc mang về biếu người thân, bạn bè như một món quà du lịch độc đáo.

Đào Mẫu Sơn

Nổi tiếng từ lâu trong cả nước không chỉ với màu sắc mà hương vị cũng rất đặc biệt. Khác hẳn với các loại đào tuy chín có màu đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm, nhũn. Được phơi giữa nắng gió Mẫu Sơn, những trái đào nơi đây dường như ngọt, giòn và chắc hơn. Bên ngoài có màu xanh nhạt nhưng khi ăn quả có vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au và có mùi thơm dịu. Chính hương thơm tự nhiên và sắc vị ngọt ngào ấy đã níu giữ biết bao du khách dù chỉ một lần đặt chân lên Mẫu Sơn, để rồi họ mua làm quà.

Mỗi năm Mẫu Sơn chỉ có một mùa đào, trong vòng một tháng mà thôi. Chính vì vậy, những trái đào dường như trở thành sản vật vô cùng quí giá mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất này. Giống đào ở đây ngon và nổi tiếng không nơi nào sánh được.Đào Mẫu Sơn vừa to, vừa ngọt. Đào có màu xanh trắng, bên ngoài là lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung. Quả của nó có một hạt ở giữa và được bao bọc bởi cùi thịt màu vàng hay ánh trắng. Nhìn vẻ bề ngoài, những trái đào Mẫu Sơn căng mọng với màu sắc hồng hào, tươi đẹp đã hấp dẫn mọi người thưởng thức.

Chanh rừng Mẫu Sơn

Không giống với các loại chanh khác, loại chanh này khá nhỏ, chỉ to hơn quả quất một chút. Khi chanh chín, vỏ chanh có màu vàng đẹp mắt. Nếu ta ăn cả vỏ thì sẽ cảm nhận thấy vị ngọt bùi và rất thơm. Nếu ăn mỗi lõi không thì sẽ hơi chua một chút. Hoa chanh rừng nhỏ màu trắng nở ở những kẽ lá cành cây mọc từ gốc đến tận ngọn. Trong mỗi quả chanh thường có từ 3 đến 5 hạt con, rất ít.

Loại chanh Mẫu Sơn này chỉ mọc được ở vùng núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Bởi vì nơi đây có độ cao từ 800 – 1541m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình rơi vào khoảng từ 15 đến 22 độ C. Điều này vô cùng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chanh.

Rau Bò khai và Rau Sau Sau

Cây bò khai là một loại rau rừng ăn được của Việt Nam thường mọc nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là đặc sản vùng miền ở Lạng Sơn. Rau bò khai còn có tên gọi khác là rau bồ khai, rau phắc hiển, rau lòng châu sói, rau khau hương hay rau hiến. Theo kinh nghiệm dân gian người dân vùng múi thường lấy thân, cành lá cây bò khai còn tươi hoặc phơi khô để sắc nước uống chữa bệnh viêm gan do siêu vi thường gặp ở trẻ em và phụ nữ. Sử dụng nước sắc loại rau này đều đặn có thể tán sỏi ở những người bị sỏi thận.

Cây Sau sau hay còn gọi là: cây Sau trắng, cây Cổ yếm, cây Lau thau, cây Sâu cước, cây Thẩu. Người ta thường dùng ngọn và lá non rửa sạch làm thực phẩm đặc biệt. Ngọn và lá non rau Sau sau có mùi vị bùi chát và hương vị thơm đặc thù. Do phân bổ sinh thái đặc thù của loài nên văn hóa ẩm thực loại rau này cũng chỉ gắn liền với vùng phân bổ tự nhiên của cây. Ở nước ta chủ yếu rau Sau sau được dùng vào cuối đông đầu xuân khi mà từng chồi non của cây Sau sau mới nảy. Nhân dân vùng núi Lạng Sơn, Cao Bằng rất khoái khẩu món rau ăn sống này. Người ta đi hái chồi non về, rửa sạch để ăn như là những món rau sống khác trong bữa ăn, hương vị thơm vô cùng đặc biệt mỗi khi nhai ngọn lá Sau sau trong miệng khiến cho ai đã ăn một lần thì nhớ mãi.

Na Chi Lăng

Cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là lúc đến mùa na chín. Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyệ∆n Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây.

Na đã có mặt trên đất Chi Lăng từ hơn 40 năm nay. Cây trồng thích hợp phát triển ở vùng đất khô cằn trên vách núi, sườn núi, đỉnh núi đá vôi ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Sản phẩm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân, thậm chí nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây na.

Mắc mật

Cả cây mác mật nhất là ở lá, vỏ quả có tinh dầu thơm dễ chịu. Từ lâu người dân các dân tộc ở khu Việt Bắc nói chung và Lạng Sơn nói riêng đều có kinh nghiệm sử dụng mác mật làm gia vị chế biến cho các món ăn từ lâu đời. Lá mác mật không thể thiếu đối với món thịt lợn quay, vịt quay, thịt nướng, xào măng… Quả tươi làm nên hương vị độc đáo của món măng ớt, ăn một lần nhớ mãi. Quả mác mật phơi khô để kho thịt, cá; hoặc xay mịn để làm gia vị như hạt tiêu…

Các sản phẩm từ cây Hồi

cây hồi (Ảnh sưu tầm)

Là một loại cây quý đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn được trồng chủ yếu trên địa bàn các huyện Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia… Qủa Hồi, tinh dầu Hồi là một loại d­­ược liệu quý trong đông y, cũng là gia vị độc đáo không thể thiếu trong các món ẩm thực phổ biến nh­­ư phở, hoặc dùng để tẩm ­­ướp các món ăn. Sản phẩm hoa Hồi Lạng Sơn được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như Pháp, Cannada, Trung Quốc… Hồi Lạng Sơn chiếm hơn 90% sản lượng hồi trên toàn quốc.

Bánh khảo Tràng Định

Bánh khảo làm thủ công không chỉ là thứ lương khô truyền thống mà còn trở thành món quà ngon, ý nghĩa dịp Tết của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Tại Tràng Định (Lạng Sơn), những ngày áp Tết hầu như gia đình nào cũng đóng bánh khảo để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, làm món ăn tiếp khách trong năm mới hoặc quà biếu người thân, bạn bè gần xa.

Hồng Bảo Lâm

Vùng giáp biên Trung Quốc trồng nhiều hồng, nhưng năm nào họ cũng sang Việt Nam thu mua hồng Bảo Lâm bởi chuộng loại quả vị ngọt, thơm, giòn và không hạt. Những cây hồng lâu năm được trồng theo phương pháp truyền thống. Người dân thường chọn cây hồng quả to đẹp, thân cây cao lớn chắc chắn rồi chặt lấy một đoạn rễ dài khoảng 30-40 cm, sau đó ươm cho đến khi nảy mầm. Với cách trồng này, khoảng 8-10 năm sau cây sẽ bói quả; nếu trồng bằng phương pháp ghép cành chỉ khoảng 3-5 năm.

Quýt Bắc Sơn

Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông ở đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu bán cho các thương lái đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, các vùng lân cận và chợ.

Là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên quýt Bắc Sơn sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển.

Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Mẫu Sơn

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn, Lạng Sơn

Recommended For You