Kinh nghiệm đi Chùa Bích Động – Nam Thiên Đệ Nhị Động của Ninh Bình

Chùa Bích Động là một di tích lịch sử văn hóa thuộc Quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động của tỉnh Ninh Bình. Đây là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đưa khách đến với chốn uy nghi cửa Phật, bình yên miền sơn cước. Mỗi dịp Xuân về, chùa thu hút hút đông đảo Phật tử, du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh.

1. Giới thiệu về chùa Bích Động

Chùa Bích Động ở đâu?

  • Địa chỉ: thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ được xây dựng trên sườn núi. Ban đầu, chùa có tên là ” Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng” nghĩa là ngôi chùa đẹp, trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Năm 1774, trong một lần chúa Trịnh Sâm ghé thăm, chùa đã được đổi tên thành chùa Bích Động. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cố đô, từng được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ hai của trời Nam sau động Hương Tích ở Hà Nội).

chua nam ben suon nui

Ảnh: t_d_foto

Trải qua gần 600 năm tồn tại, đây là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Ngày nay, chùa Bích Động đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là một trong những ngôi chùa ở Ninh Bình linh thiêng nhất mà hàng năm khách hàng hương vẫn luôn tìm về.

Lịch sử của chùa

Năm 1705, vào đời vua Lê Dụ Tông, có hai vị hòa thượng pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể. Một người quê ở Vọng Doanh, một người ở Đông Xuyên, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã gặp nhau và kết nghĩa thành anh em. Cả hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, họ đã cùng nhau đi nhiều nơi đề truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa.

Khi đến núi Bích Động, họ thấy đây là nơi có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa. Hai nhà sư quyết định dừng chân, đi quyên giáo và xây dựng lại ngôi chùa cũ thành 3 ngôi chùa mới: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng để tu hành.

chua duoc xay dung tren suon nui

Ảnh: @alexguain

Năm Đinh Hợi (1707), hai nhà sư đã đúc một quả chuông lớn, hiện vẫn còn treo ở Động Tối. Hai năm sau, vào tháng 8 Âm lịch, họ đã làm bài minh bia chùa Bích Động bằng chữ Hán.

Năm Giáp Ngọ (1774), chúa Trịnh Sâm đã đến đây vãn cảnh. Có lẽ bị ấn tượng bởi tầm nhìn toàn cảnh núi non, hang động sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh mát nên chúa Trịnh Sâm đã đặt tên cho chùa là Bích Động.

2. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Bích Động

Vì nằm trong cụm du lịch Tam Cốc Bích Động bạn nên kết hợp chuyến tham quan Tam Cốc của mình và chùa Bích Động làm một. Chỉ có một con đường thủy duy nhất để đến Tam Cốc đó là đến đình Các ở thôn Văn Lâm, ra bến sông Ngô Đồng. Từ Tam Cốc Ninh Bình, bạn có thể đến chùa Bích Động bằng cách thuê xe đạp, xe máy, taxi hoặc đi bộ để ngắm cảnh.

thue xe dap den chua

Ảnh: @calvinthaipham

Xem chi tiết đường đi đến chùa Bích Động tại đây

3. Chùa Bích Động có gì đẹp?

Đường vào chùa

Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ như bao ngôi chùa khác. Điều độc đáo ở đây là chùa được xây dựng theo kiểu chữ “Tam” (hán tự). Có tất cả 3 ngôi chùa không liền nhau và được chia làm ba cấp dọc theo sườn núi từ thấp lên cao là: Chùa Hạ, Chùa Trung và chùa Thượng.

Chùa Bích Động được xây dựng hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên một cách ngoạn mục. Hình ảnh chùa ẩn hiện giữa những hàng cây đại thụ xanh biếc làm cho nơi đây thêm phần cổ kính, thanh tịnh.

check in tai cong chua

Ảnh: @lehatruc

  • Khám phá địa điểm tâm linh: Chùa Vàng Ninh Bình

Chùa Hạ

Để vào chùa, bạn sẽ đi theo cây cầu đá được ghép bằng những phiến đá xanh dẫn vào cổng Tam Quan chùa Bích Động. Ở đây có con đường bên chân núi, được lát gạch dài khoảng 55m là con đường duy nhất để đi vào chùa Hạ.

Chùa Hạ được xây dựng với 5 gian trên một nền cao dưới chân núi. Kiến trúc chùa thiết kế theo kiểu chữ Đinh (Hán Tự). Mái chùa có 2 tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột ở chùa Hạ đề được làm bằng đá liền một khối, không chắp nối có chiều cao hơn 4m. Vào thời đó, để làm được những cột đá như thế này thì quả là kỳ công.

ghe tham chua

Ảnh: @immi

Bước vào trong chùa, ở trên cao của gian giữa Tiền Đường có treo bức đại tự bằng chữ Hán “Mạo cổ thần thanh”. Câu này có nghĩa là dáng dấp ngôi chùa xưa này thiêng lắm. Ở trong thượng điện là nơi thờ Phật. Tiếp đó là các bệ theo thứ bậc từ cao xuống thấp đặt các tượng phật, đồ thờ như đèn, đỉnh hương…

Chùa Trung

Sau khi tham quan chùa Hạ, bạn trở ra sân quay về hướng Bắc gặp lối đi gồm 80 bậc đá men quanh sườn núi. Đây là con đường dẫn đến lưng chừng núi, nơi tọa lạc của chùa Trung. Khác với chùa Hạ, chùa Trung có kiến trúc bán mái phía ngoài.

Đây là một ngôi chùa độc đáo, chỉ có phần cửa và mái chùa lộ thiên, các kiến trúc còn lại nằm gọn trong hang núi. Chùa được xây dựng với ba gian để thờ Phật. Phía trên mái chùa có hai chữ Hán tự “Bích Động” được đặt theo lệnh của chúa Trịnh Sâm. Phía bên trái chùa Trung là gian thờ Thánh Mẫu.

ngoi chua trung

Ảnh: @arigato3db

  • Tham khảo thêm: Top 8 ngôi chùa Ninh Bình nổi tiếng linh thiêng

Động Tối

Sau khi lễ Phật ở Thương Điện, bạn bước lên 21 bậc thang đá nữa là đến Động Tối. Bên trên cửa động hiện nay vẫn còn treo chiếc chuông đồng lớn được hai vị sư Trí Kiên và Trí Thể đúc vào năm 1707.

thue xe dap den chua

Ảnh: @aliciaparcel

Động Tối là một không gian dài và có điện thắp sáng để du khách dễ dàng chiêm ngưỡng. Bên trong động Tối là cả một công trình đồ sộ, hoành tráng hiện ra kỳ ảo dưới ánh sáng điện. Bạn sẽ thấy hình ảnh những ông tiên cô, tiểu đồng, rồng lượn… được đúc chạm nổi bằng đá rất tỉ mỉ, chi tiết. Tất cả hiện ra trước mặt du khách như một thế giới cổ tích bị hoá đá của tạo hoá.

Gần cửa động bên phải có ba tượng Phật bằng đá uy nghi, sừng sững biểu tượng cho sự uy nghi, trường tồn vĩnh cửu. Ở chính giữa là đức Phật Di Đà, bên phải là Vân Thù Bồ Tát, bên trái là Quan Âm Thị Kính và hình tượng Lão Thọ bằng đá.

Chùa Thượng

Để lên chùa Thượng, bạn phải bước thêm gần 40 bậc đá nữa theo sườn núi. Chùa Thượng là một ngôi chùa nhỏ ở trên sườn núi, nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Chùa cao hơn so với sân gạch dưới đất khoảng 60 mét. Chùa Thượng được xây dựng theo hướng Đông Nam và thờ phật Bà Quan Âm. Có hai miếu ở hai bên chùa là miếu thờ Thổ Địa và thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa còn có một bể nước gọi là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát.

chua thuong

Ảnh: @arigato3db

Từ chùa Thượng, bạn có thể nhìn thấy 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động trông giống như 5 cánh hoa Sen. Đó là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.

4. Các địa điểm tham quan gần chùa

Địa điểm Khoảng cách Chùa Linh Cốc 950 m Tam Cốc 1.6 km Đền Thái Vi 3.3 km Làng Việt Cổ 3.3 km Động Thiên Hương 3.4 km

5. Lưu ý khi đi chùa

  • Để thăm chùa Bích Động, bạn cần mua vé tham quan Tam Cốc – Bích Động với giá là 120.000đồng/người lớn và 60.000đồng/trẻ em.
  • So với Tam Cốc, Chùa Bích Động thường ít khách du lịch hơn. Các hàng quán bán bên ngoài để phục vụ du khách ít hơn. Bạn nên chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết cho chuyến đi tham quan này.
  • Bạn nên lựa chọn thời gian đi chùa vào khoảng tháng 4 vì thời tiết lúc này tương đối khô. Việc ngồi thuyền để di chuyển đến Tam Cốc cũng không quá khó chịu.
  • Khi đi lễ chùa, bạn cần lựa chọn những bộ trang phục lịch sự, kín đáo. Ngoài ra, khi đi tham quan chùa Bích Động sẽ phải đi bộ và leo bậc khá nhiều. Bạn nên lựa chọn cho mình những đôi giày thể thao hoặc giày bệt sao cho thật thoải mái khi di chuyển.

Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ mang đầy nét trang nghiêm, huyền bí. Núi, động và chùa hòa hợp, kết hợp với nhau tạo nên một cảnh quan độc đáo duy nhất. Trong chuyến tham quan Tam Cốc Bích Động, nếu bỏ qua chùa Bích Động thì quả là một đáng tiếc lớn.

Xem thêm những ngôi chùa khác ở Ninh Bình:

  • Khám phá chùa Am Tiên
  • Chùa Non Nước ở đâu?

Recommended For You